Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã trích được hơn 2.231,4 tỷ đồng vào quỹ bình ổn giá, trong khi mức sử dụng là gần 2.932,4 tỷ đồng. Cộng với số tồn quỹ đầu năm, tại thời điểm 30/6/2013, quỹ bình ổn giá xăng dầu dư gần 55,5 tỷ đồng, giảm hơn 700 tỷ đồng so với cuối năm 2012.
Đáng chú ý, tại ngày 20/5/2013, quỹ bình ổn bị âm tới 73,5 tỷ đồng. Trong số 11 doanh nghiệp đầu mối báo cáo, có 6 doanh nghiệp bị âm quỹ gồm Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng Công ty Kỹ thuật và Đầu tư (Petec), Xăng dầu Đồng Tháp, Hóa dầu Quân đội, Hóa dầu Nam Việt và Xăng dầu Hàng Không. Tổng mức âm quỹ của những đơn vị này lên tới gần 500 tỷ đồng. Trong đó, ngoại trừ công ty xăng dầu Đồng Tháp, 5 đơn vị còn lại bị âm quỹ từ đầu năm.
Việc quỹ bình ổn giá bị âm số tiền lớn diễn ra sau khi giá xăng, dầu giảm 3 lần trong tháng 4, tổng cộng 1.220 đồng một lít với xăng và 650 đồng với dầu diezel. Tuy nhiên, sang tháng 6, giá mặt hàng này tăng 2 lần liên tiếp chỉ trong 2 tuần, tổng mức 780 đồng với xăng và 590 đồng một lít với dầu diesel. Trong văn bản phát đi lần tăng giá đầu tiên vào tháng 6, Bộ Tài chính nêu một trong lý do là "số dư quỹ bình ổn giá không còn nhiều".
Về phía các đơn vị còn lại, Xăng dầu Quân đội có số dư quỹ bình ổn giá lớn nhất với gần 180 tỷ đồng tính tới 20/5/2013, trong khi của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là hơn 148,7 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng cho hay, trong 3 năm gần đây (2010 - 2012), số dư quỹ bình ổn giá cuối năm 2012 ở mức thấp nhất, chỉ đạt hơn 739 tỷ đồng, chưa bằng một nửa mức cao nhất 1.800 tỷ đồng cuối năm 2010.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hiện bảng tổng hợp quỹ bình ổn giá bao gồm 12 doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong lần báo cáo cuối tháng 5, chỉ có 11 đơn vị. Công ty Dầu khí Mekong không kinh doanh xăng dầu nên không phát sinh số dư quỹ từ tháng 4/2012.
Trước đó, trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời ngày 23/6/2013, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã khẳng định sẽ công khai quỹ bình ổn giá xăng dầu vào tháng đầu quý, sau khi có nhiều ý kiến chất vấn về tính minh bạch của việc trích lập và sử dụng quỹ này.
Hiện nay, với mỗi lít, kg xăng dầu, doanh nghiệp phải trích vào quỹ bình ổn 300 đồng, nhưng tùy từng sản phẩm sẽ được sử dụng quỹ ở mức khác nhau. Cụ thể, xăng đang được sử dụng 300 đồng mỗi từ quỹ bình ổn giá, diesel và dầu hỏa là 200 đồng trong khi dầu madut là 100 đồng. Quỹ bình ổn giá được lập để tại doanh nghiệp, hạch toán riêng và chỉ sử dụng vào mục đích bình ổn giá.
Bộ Tài chính cũng khẳng định đây là là công cụ hữu hiệu để thực hiện bình ổn giá, bởi từ năm 2010 đến nay, nếu không có quỹ thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng giá cao hơn và tần suất tăng giá cũng nhiều lần hơn. Chẳng hạn, tại ngày 26/2/2013, giá xăng đã có thể phải tăng 2.000 đồng mỗi lít. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, do còn một số ý kiến khác nhau về quỹ bình ổn giá nên Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định về quỹ này.
Huyền Thư