Tháng 10/1962, căng thẳng Moskva - Washington nhanh chóng leo thang khi Liên Xô triển khai tên lửa hạt nhân ở Cuba nhằm đáp trả việc Mỹ đặt tên lửa hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ và Italy. Đỉnh điểm của chuỗi sự kiện này là hải quân Mỹ phong tỏa vùng biển quanh Cuba để ngăn Liên Xô tăng cường vũ khí hạt nhân tại đây.
Tình hình khi đó nghiêm trọng đến mức trạng thái báo động sẵn sàng chiến đấu (DEFCON) cấp độ ba được duy trì ở toàn bộ căn cứ Mỹ khắp thế giới. Hệ thống báo động sẵn sàng chiến đấu của Mỹ được chia làm 5 cấp độ, từ DEFCON 5 (ít nghiêm trọng nhất) đến DEFCON 1 (nghiêm trọng nhất), tương ứng với những tình huống quân sự khác nhau.
DEFCON 3 là cấp độ sẵn sàng chiến đấu trên mức thông thường, trong đó yêu cầu không quân Mỹ triển khai lực lượng hạt nhân chiến lược trong vòng 15 phút từ khi có lệnh.
Bộ tư lệnh Không quân Chiến lược, đơn vị phụ trách phần lớn vũ khí hạt nhân của Mỹ, được nâng lên DEFCON 2. Trạng thái này được mô tả là "tiến gần tới chiến tranh hạt nhân", trong đó yêu cầu mọi lực lượng sẵn sàng triển khai chiến đấu trong tối đa 6 giờ sau khi nhận lệnh.
Trong thời gian này, mọi binh sĩ đều rất căng thẳng và chờ mong khủng hoảng được giải quyết, dù bằng biện pháp quân sự hay hòa bình. Những thời điểm hỗn loạn và không thể đoán trước như vậy có thể khiến mọi người trở nên hoảng hốt.
Đây là những gì đã xảy ra đêm 25/10/1962, khi một sự cố tại căn cứ không quân Duluth suýt dẫn tới Thế chiến III. Căn cứ này lúc đó lưu trữ khoảng 130 vũ khí hạt nhân và an ninh luôn được thắt chặt.
Đêm đó, một lính gác phát hiện bóng đen khả nghi, dường như đang cố trèo qua tường rào bao quanh căn cứ. Các sĩ quan Mỹ trước đó được khuyến cáo rằng đặc nhiệm Liên Xô có thể được triển khai để tiến hành chiến dịch phá hoại căn cứ trước khi xung đột hạt nhân bùng phát.
Cho rằng đây là đặc nhiệm Liên Xô đang tìm cách xâm nhập căn cứ, lính canh lập tức nổ súng rồi kích hoạt hệ thống báo động được kết nối với các căn cứ gần đó để thông báo về sự việc.
Rất may là lính gác nhanh chóng nhận ra "kẻ khả nghi" đó chỉ là một con gấu đen và lệnh báo động được hủy ở hầu hết căn cứ, trừ căn cứ không quân Volk Field cách đó khoảng 320 km.
Căn cứ được xây dựng gấp rút để làm nơi đóng quân cho một đơn vị tiêm kích đánh chặn F-106 nhằm đối phó khủng hoảng tên lửa Cuba, đến mức còn không có tháp điều khiển không lưu. Quá trình thi công vội vã khiến một kỹ sư đấu nhầm đường dây báo động từ căn cứ Duluth.
Thay vì kích hoạt chuông báo động có kẻ xâm nhập căn cứ bạn, tín hiệu từ Duluth đã chuyển đến hệ thống báo động xuất kích ở Volk Field, yêu cầu phi công lên chiến đấu cơ chuẩn bị chiến đấu. Đây là chuông báo động chỉ được kích hoạt trong trường hợp Mỹ nổ ra chiến tranh hạt nhân với Liên Xô.
Hai phi đội F-106 vội vã vào vị trí xuất kích. Mỗi máy bay mang 4 tên lửa đối không thông thường và một tên lửa AIR-2 Genie gắn đầu đạn hạt nhân nặng 362 kg, có thể xóa sổ hoàn toàn một phi đội oanh tạc cơ Liên Xô.
Các phi công đều tin rằng chiến tranh hạt nhân đã bắt đầu. Tuy nhiên, may mắn là một sĩ quan đã gọi điện trực tiếp cho căn cứ Duluth để xác minh thông tin. Lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu nhanh chóng được hủy. Một xe jeep phải chạy trước những phi cơ đang di chuyển trên đường lăn và nháy đèn để ngăn chúng cất cánh.
Sự cố con gấu chỉ là một trong những ví dụ cho thấy những sai lầm nhỏ trong tình huống căng thẳng cũng có thể khơi mào chiến tranh hạt nhân hủy diệt.
Duy Sơn (Theo WATM)