Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong quý III, các doanh nghiệp xăng dầu đã trích hơn 1.043 tỷ đồng vào Quỹ bình ổn giá. Trong khi đó, số tiền được sử dụng từ quỹ này lại cũng lên tới hơn 1.040 tỷ đồng. Nếu tính lũy kế đến ngày 30/9, hiện còn 58,6 tỷ đồng để bình ổn giá xăng dầu, tăng gần 4 tỷ đồng so với thời điểm ngày 30/6.
Đến ngày 30/9, trong số 12 đơn vị báo cáo, có 6 doanh nghiệp đầu mối bị âm quỹ. Trong đó Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Tổng công ty Kỹ thuật và Đầu tư (PETEC) âm trên dưới 200 tỷ đồng.
Đây là quý thứ hai liên tiếp Bộ Tài chính công khai Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trước những đề xuất nên công khai hàng tháng, trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời mới đây, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng công bố theo quý hợp lý hơn. Ông lý giải, nếu công khai định kỳ hàng tháng sẽ phát sinh rất nhiều chi phí, công sức và thủ tục hành chính vì phải căn cứ theo báo cáo của doanh nghiệp, việc thẩm tra, kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước.
Đầu tháng 7, trước đợt tăng giá xăng kỷ lục hôm 17/7, quỹ bình ổn giá còn dư hơn 55 tỷ đồng. Theo đại diện Bộ Tài chính, thời điểm đó, nếu tính đủ các yếu tố, giá bán lẻ xăng dầu đáng lẽ phải tăng 988 đồng một lít thay vì 468 đồng nhưng Liên Bộ Tài chính – Công thương quyết định vừa giảm hai phần ba lợi nhuận định mức của doanh nghiệp vừa xả Quỹ Bình ổn giá 300 đồng trên mỗi lít.
Đến cuối tháng 8/2013, khi giá thế giới có xu hướng giảm, chênh lệch giá cơ sở và giá bán lẻ bình quân 30 ngày giảm khoảng 500 đồng cho mỗi lít. Tuy nhiên, khi đó, theo lý giải của ông Đinh Tiến Dũng, phải trả lại đủ số lợi nhuận định mức (200 đồng) trước ngày 17/7 đã giảm của doanh nghiệp nên mới quyết định giảm giá bán lẻ 300 đồng mỗi lít xăng.
Thanh Thanh Lan