![]() |
Saddam và con gái Raghad. Ảnh: Times. |
Raghad, 39 tuổi, là mẹ của năm đứa con, được miêu tả là “nóng tính” và từng có biệt danh là “Tiểu Saddam”. Cô cao và mảnh dẻ, tóc nhuộm, ham mê mua sắm ở những cửa hàng sang trọng trên khu phố Wakalat của Amman. Raghdad sống tại khu ngoại ô Abdoun giàu có nhất của thủ đô Jordan. Biệt thự hai tầng, được trang trí bằng những cây cọ và cây bụi tỉa tót cẩn thận, nằm giữa nhà của một vị cựu thủ tướng và chỉ huy tình báo về hưu.
Raghad sống cùng cậu con trai 15 tuổi, cũng tên là Saddam, rất giống ông, và đứa con gái 12 tuổi. Ba đứa con khác, trong đó có cậu con út, Ali, đang sống ở Qatar cùng với bà ngoại chúng là Salidja. Trong suốt một tuần, nhà của Raghad là một cảnh tượng buồn thảm. Cô phải đón khách và nhận những cú điện thoại chia buồn.
Rasha Oudeh, phụ trách văn phòng của Raghad, cho biết cô hay tin cha mình sắp bị treo cổ vào 9h sáng ngày 29/12, trước lễ hội Eid al-Adha của người Hồi giáo. Cùng với con trai, con gái, gia đình em gái và một vài người bạn nữ Iraq, họ chờ tới 5h30 sáng giờ Jordan, khi tin về cái chết của Saddam được thông báo trên kênh truyền hình vệ tinh Ảrập.
“Họ đọc kinh Koran rất nhiều. Họ cầu xin Allah cho Saddam Hussein sức mạnh để vượt qua những giây phút đó”, Oudeh kể lại. “Họ khóc những giọt nước mắt bất lực”.
Một đứa con an ủi Raghad: “Đừng khóc, cha của mẹ là Saddam Hussein kia mà”. Em gái của cô, Rana, rời đi lúc 7 giờ sáng. Raghad đi ngủ vào lúc 7h15 sáng. Thức dậy 4 giờ đồng hồ sau đó, Raghad bật tivi và bị sốc trước những đoạn phim quay chính thức cảnh hành hình.
“Cô ấy lúc đó chỉ có một mình. Cô ấy kể lại với tôi: Cứ khi nào tôi ngồi xuống được một phút, là trong đầu tôi lại hiện ra những hình ảnh về cảnh tượng hành hình đó”.
Raghad chưa xem và cũng không đề nghị xem đoạn phim quay bằng điện thoại di động cảnh treo cổ đang gây ra tranh cãi trên toàn thế giới.
Cô con gái của Saddam hiếm khi nói chuyện trước công chúng và giới báo chí. Raghad hiểu rõ một thỏa thuận bất thành văn với nước chủ nhà Jordan là cô nên yên lặng và tránh hoạt động chính trị. Cả Raghad và Rana đều rất trung thành với cha mình, mặc dù hai người chồng của họ là Hussein Kamel và Saddam Kamel bị thuộc hạ của Saddam giết, sau khi họ bỏ trốn rồi dại dột quay lại Iraq vào năm 1996.
Vua Abdullah II, một người Sunni, đã cho hai người phụ nữ cư ngụ, khi họ rời Syria giữa năm 2003, ngay sau khi chính quyền Saddam Hussein sụp đổ và hai người anh Uday và Qusay bị lính Mỹ bắn chết ở Mosul.
Tuy nhiên, hôm thứ hai tuần trước, Raghad đã phá bỏ ngoại lệ này, và dự một buổi mít tinh ở trung tâm Amman. Một chiếc loa được ấn vào tay cô. Đi ngược lại lời khuyên của các cố vấn, cô phát biểu trước 500 người biểu tình ủng hộ cha mình: “Thánh Allah ban phước lành cho các bạn và cám ơn các bạn vì đã tôn vinh Saddam, người tử vì đạo”.
Nhiều người Jordan, vốn thuộc dòng Sunni, cũng tỏ ra ủng hộ Saddam Hussein. Bác sĩ Abdullah Hneity, một chuyên gia về da liễu từng điều trị cho các con của Raghad, cho biết ông rất có ấn tượng về sự “dũng cảm” và “hiếu thảo” của cô. Ông kể: “Tôi với cô ấy: Tôi ước gì điều này không xảy ra. Còn cô ấy chỉ nói: Cha tôi là một người có nguyên tắc”.
Giống như những người Jordan giàu có khác, Raghad có một người hầu gái gốc Philippines nấu nướng và làm việc vặt trong nhà. Trong ba năm qua, cô bận lo việc tranh tụng cho cha, chăm sóc con cái và lo việc gia đình.
Một trong những nơi cô thích lui tới là cửa hiệu làm tóc Dazzle. Chủ của nó là người Iraq. Nơi này xa trung tâm thành phố, lối vào an ninh đảm bảo nên Raghad cũng yên tâm. Thường cô làm mặt và tóc ở đây. Cạnh Dazzle là một trung tâm thể dục mà Raghad đến tập ba lần mỗi tuần, cho đến khi cô nhận được một lời doạ giết.
Raghad và gia đình cầu nguyện 5 lần mỗi ngày và đến Ảrập Xêút hành hương hằng năm. Mặc dù từng học môn văn học Anh và nói một ít tiếng Pháp, cô gặp rất nhiều khó khăn khi phải chuyển từ cuộc sống của một phụ nữ được che chở để trở thành người đứng đầu đại gia đình. Khi Saddam Hussein bị bắt, cô phải thuê một cố vấn dạy mình sử dụng Internet để theo dõi tiến trình xét xử cha.
M.C. (theo Times)