Ở lớp, cháu chỉ chơi với 1-2 người bạn. Ra khu vui chơi, cháu thích chơi những trò ít người chơi. Ở lớp, cô giáo thấy cháu xinh xắn, cho vào đội văn nghệ cháu nhất định không vào. Mẹ hỏi thì bé nói “con xấu hổ, sợ người khác nhìn”.
Muốn con tự tin, mạnh dạn hơn, tôi cũng đăng ký cho cháu học vẽ, học kể chuyện ở trung tâm kỹ năng sống. Lúc kể với con, hỏi thích không thì cháu nói “có” nhưng cứ đến nơi thì lại đòi về, hoặc bắt mẹ ngồi cùng. Kể cả khi có mẹ ngồi cùng, trong buổi học, cô hỏi bất cứ thứ gì cháu cũng không nói.
Mỗi khi gặp người lớn, dù bố mẹ nhắc nhở nhiều cháu cũng không chào, hoặc chỉ nói lí nhí. Khi tôi nhẹ nhàng hỏi han, cháu nói là con ngại, xấu hổ. Cháu là bé gái ngoan ngoãn, tính hiền lành nhưng cứ thế này thì sau này ra môi trường mới, đơn giản như lên tiểu học chẳng hạn, con sẽ khó thích nghi và thụ động.
Tôi không biết phải làm sao với con nữa. Xin được tư vấn. (Ngoc Lam)
Trả lời:
Trẻ nhút nhát, ngại giao tiếp cũng là một vấn đề khiến nhiều cha mẹ đau đầu. Thông thường, những trẻ chỉ hoạt ngôn lanh lợi ở nhà còn khi ra ngoài lại thu mình nhút nhát rụt rè là do cháu cảm thấy không an toàn và tự tin khi phải quyết định hoặc hành động một mình. Trẻ có tính cách như vậy có thể là do nhận được quá nhiều sự bao bọc trong gia đình (trẻ chưa tự chủ động làm một cái gì mà không có sự theo dõi và chỉ bảo của người lớn). Điều này khiến trẻ không tự tin một chút nào nếu không có người lớn ở bên chỉ bảo.
Cũng có trường hợp trẻ muốn chủ động làm một điều gì đó nhưng thay vì tập trung vào những điểm tích cực đã làm được thì lại nhận những lời bình luận không hài lòng. Ví dụ như muốn tự rót nước mời mẹ nhưng cháu chưa đủ khéo để rót nước vào cốc mà không đổ ra ngoài. Nếu cha mẹ tâm lý thì sẽ khen con là “Con tôi đã lớn rồi, con đã biết rót nước mời mẹ rồi, lần sau con đỡ tay phía dưới bình nước thì sẽ rót được khéo hơn không bị tràn ra ngoài con nhé”. Nhưng có thể nhiều cha mẹ ngăn cản ngay bằng những câu như “Thôi để đấy! Lại đổ tràn ra ngoài rồi thấy chưa!...”. Những lời nói không hài lòng như vậy một mặt làm trẻ không biết phải làm thế nào cho đúng, mặt khác làm cho trẻ học được cách để tránh bị phê bình là không làm gì cả, không tham gia gì cả
Hướng giải quyết là cha mẹ phải chủ động gần gũi con và giúp trẻ cởi mở chia sẻ những khó khăn bằng lời. Cha mẹ nên tìm hiểu sâu hơn những cảm xúc hoặc suy nghĩ thực đằng sau lời nói. Ví dụ cha mẹ hỏi thêm vì sao con sợ người khác nhìn, tại sao con lại cảm thấy xấu hổ. Có thể các em có niềm tin là "con chẳng thể nào làm một cái gì đúng cả", hoặc "mọi người sẽ cười khi con làm điều gì đó sai nên con mới tránh và xấu hổ".
Giả sử như con của anh/chị cũng có suy nghĩ như vậy, có thể giải thích cho con rằng sai sót là chuyện bình thường, cha mẹ đôi lúc cũng sai nhưng không ai cười cha mẹ cả. Sau đó hỏi về những điểm mạnh của trẻ để các em cảm thấy tự tin hơn, ví dụ như cha mẹ có thể nói là nhưng bố mẹ thấy ở nhà con kể chuyện rất hay nên bố mẹ tin rằng con có thể kể những câu chuyện đó cho các bạn… Bằng cách thức đó, cha mẹ sẽ giúp con có những niềm tin mới, tích cực hơn về bản thân để tự chủ động tích cực tham gia vào các hoạt động với bạn bè.
Thạc sĩ Trần Thành Nam
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC