Cha mẹ nên cho trẻ đi chơi ở nơi công cộng để trẻ quen với môi trường đông người. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chị Phượng, mẹ Dũng cho biết, từ nhỏ bé đã tỏ ra sợ gặp người lạ, chị nghĩ điều đó cũng bình thường, lớn hơn một chút bé sẽ quen. Lần đầu đưa con đi mẫu giáo, cháu tỏ ra dè dặt, đến khi cô giáo bế thì khóc ầm lên, bám chặt lấy mẹ. Có lần bé đi lớp được nửa buổi vì khóc dữ quá, cô giáo phải chở về nhà.
Thấy con lần nào đi lớp cũng khóc mếu máo, được mấy bữa lại ốm chị cũng không ép nữa, để con ở nhà. Cả ngày hai bà cháu chơi với nhau, bà bận thì bé lủi thủi một mình. Gần đây, đến những chỗ đông người, chị thấy cháu không khóc ầm ĩ thì cũng chỉ thu lu ngồi cạnh mẹ.
Theo tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa, chuyên tâm lý trẻ em, trường hợp con chị Phượng là do bé không có điều kiện đi chơi nhiều, chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường. Môi trường giao tiếp bị hạn chế chủ yếu với bố, mẹ và bà, vì thế, khi sang nhà khác chơi, thấy toàn người lạ bé cảm thấy sợ, không an toàn nên khóc.
Cũng có thể trẻ nhát do gia đình chăm sóc quá kỹ như con gái chị Hương (Đông Anh, Hà Nội). Anh chị đi làm cả ngày nên giao hoàn toàn việc chăm sóc con cho bà. Đến nay bé 2 tuổi nhưng vẫn rất sợ người lạ, đi chơi đâu cũng bám chặt bà, thấy trẻ hàng xóm chơi đùa thì chỉ dám đứng xem từ xa.
"Nó là cháu nội đầu tiên nên bà cưng lắm, quý như vàng, chỉ sợ ra ngoài ốm nên nắng hơi to hay gió hơi lớn một chút là lại đóng cửa ở nhà. Có hôm tôi về thấy dưới sân khu tập thể trẻ đang chơi vui tấp nập, mà con mình chỉ ở trên gác nhìn xuống. Hỏi thì bà bảo dưới đó nhỡ có đứa ốm, lây cho cháu thì khổ", chị Hương kể.
Trường Mầm non Hoàng Gia - nơi bà Thoa làm việc - cũng có một bé trai rất sợ đến chỗ đông người. Cậu bé này đã 5 tuổi, cao lêu khêu rồi nhưng giờ mới đi lớp. Gia đình cũng từng cho cháu đi nhà trẻ, nhưng cháu không chịu, khóc suốt buổi. Người nhà sợ cháu khóc nhiều, gầy người nên cho nghỉ học.
Tâm lý sợ chỗ đông người, theo bà Thoa, là hoàn toàn bình thường với trẻ. Lần đầu tiên gặp người lạ hay đi lớp, trẻ đều có đôi chút e dè, sợ sệt. Vì khi đã quá thân thuộc với một môi trường nhất định như là phòng của mình, yên ắng và khá khép kín, trẻ sẽ cảm thấy bị "ngợp" khi bước ra một không gian rộng lớn hơn, sôi động với nhiều âm thanh, nhiều người. Theo phản xạ tự nhiên, bé sẽ thu mình lại trong thế giới riêng, tuy nhiên với những mức độ khác nhau.
"Vấn đề của những trẻ này chính là sự thích nghi, trẻ cảm thấy không an toàn ở môi trường mới. Vì thế thời gian đầu, chúng tôi để ông cùng vào lớp chơi với cháu, để tạo cho bé cảm giác an toàn, dần dần trẻ sẽ quen với lớp học, với các bạn không cần ông lúc nào cũng ở bên nữa." tiến sĩ Thoa nói.
Những trẻ sống khép kín, do môi trường giao tiếp ít nên đời sống tâm lý không phong phú. Điều đó ảnh hưởng đến sự phát triển các kỹ năng của trẻ. Vì thế theo bà Hoa, phụ huynh phải quan tâm nhiều hơn đến trẻ, kiên trì từng bước làm cho trẻ quen với môi trường, không cố ép trẻ phải thích nghi ngay lập tức, không để trẻ cho người lạ trông.
Trong gia đình phải tăng cường giao tiếp tối đa với bé, tạo nhiều hoạt động để khuấy động không gian trong phòng, giúp trẻ tích cực hơn, dành nhiều thời gian bé đi chơi, siêu thị, công viên... Bố mẹ nên kết thân với một gia đình cũng có con cùng lứa tuổi, thường xuyên đưa con đến chơi, tổ chức picnic giúp trẻ quen dần khi tiếp xúc với người lạ. Sau đó có thể cho trẻ đi mẫu giáo. Ngày đầu mẹ hãy đi cùng, chơi với con vài ngày cho trẻ dạn dần rồi tách ra. Bé sẽ chơi cùng các bạn khác khi có cảm giác an toàn.
Phụ huynh cần quan tâm nhiều đến trẻ nếu thấy trẻ có biểu hiện sống khép kín, ít giao tiếp. Bởi đó có thể là dấu hiệu của chứng tự kỷ, chỉ thích chơi một mình. Khi đó trẻ cần được bác sĩ thăm khám.
Nam Phương