Kính gửi bố,
"Thưở bé tôi đeo chiếc khánh vàng,
Quần đào xẻ đũng, áo hàng lam,
Chân đi giày đỏ, tay thu pháo,
Nhộn cả nhà lên tiếng hát vang." – Lan Sơn
Đó có phải là những cái Tết ngày xưa của bố không ạ? Những cái Tết chỉ còn tồn tại trong ký ức mờ bụi thời gian? Và chẳng hiểu sao,"Tết" với con giờ dường như cũng chỉ là bức tranh nhạt nhòa chẳng còn rõ màu sắc hay đường nét, hay những mảnh vỡ lộn xộn của một quá khứ êm đềm và ấm cúng.
Bố ơi, Tết và con của bây giờ cứ như thể hai người xa lạ.
Nghe xót xa quá bố nhỉ? Nhưng ở bên này dù con có tập gói bánh chưng sao cho thật vuông, thật đẹp, dù có cắt hoa giả đính lên thân cây làm thành cây đào khéo léo thế nào, dù con cũng có bữa cơm Tất niên với đủ cả canh măng, giò chả, dưa hành, gà luộc, … thì con vẫn không tìm nổi hơi ấm của những Tết xưa.
Mâm cỗ cúng ngày Tết. Ảnh do độc giả cung cấp. |
Con cũng chẳng biết nên tìm Tết ở nơi đâu. Liệu có phải Tết ẩn mình trong tuyết trắng buốt giá thay vì mưa phùn ẩm ướt, hay Tết đang ngủ quên trong dáng hình lủi thủi cô độc của con những ngày cuối cùng của năm cũ mà đáng nhẽ ra phải tưng bừng thức giấc giữa những phố xá rực rỡ sắc đỏ và tấp nập người qua lại?
Con sợ cái cảm giác Tết đang đến rất gần, và dù bản thân biết rõ điều đó, nhưng lại vô tình để Tết lướt qua kẽ tay tự khi nào chẳng hay. Tết vội vã ghé qua khi con bận rộn vùi đầu trong sách vở, Tết chỉ kịp nói một tiếng chào, chẳng rõ là xin chào hay tạm biệt, bởi ngày hôm sau con có một bài kiểm tra, Tết ngủ quên trong lúc đợi con hoàn thành cho xong một bài luận dài dằng dặc hàng mấy chục trang.
Bố ơi, Tết, và nỗi nhớ, đang im lặng trôi đi trong những bề bộn của cuộc sống.
Con chẳng bao giờ dám nói với bố, con nhớ bố, nhớ Hà Nội và nhớ Tết nhiều như thế nào. Con tự lừa dối bản thân rằng nỗi nhớ đã ngủ yên, rằng con đã lớn và con đã quen với sự xa cách. Bởi bố đặt nhiều kỳ vọng vào con, vì bố luôn động viên con với nụ cười và những câu nói có phần bông đùa trêu chọc rằng giờ đã có biết bao phương tiện để liên lạc, và khoảng cách chẳng còn là gì cả.
Có lẽ khoảng cách đã được rút ngắn lại rất nhiều, nhưng vẫn còn tồn tại những khoảng trống mãi mãi chẳng thế nào lấp đầy. Con chẳng thể ngồi sau xe bố để về quê mỗi sáng mùng hai Tết, hít cho căng tràn lồng ngực hương xuân đang thấm đẫm trong không khí. Cũng không còn những ngày hai bố con lang thang khắp phố phường Hà Nội để thưởng thức nào phở, nào hủ tíu, nào mỳ mằn thắn, nào miến lươn,… những ngày sau Tết.
Con nhớ quá, bố ạ. Con nhớ một tối nọ sau đợt nghỉ Tết, bố mỉm cười đưa con vào hàng miến lươn ở Hàng Điếu, chỉ gọi duy nhất một bát cho con, và nói dối rằng bố không thích ăn. Khi đó con vẫn hồn nhiên không biết bố đã phải nhịn đói cả tối, đến tận khi con đi ngủ mới dám nấu mỳ vì sợ con sẽ nghi ngờ. Có lẽ bằng một linh cảm đặc biệt chăng, dù không chú ý đến lời nói dối của bố, nhưng con vẫn nhớ như in tối hôm đó. Con nhớ rõ bố cười rất tươi, dưới ánh đèn vàng nụ cười ấy lại càng dịu dàng và tràn đầy yêu thương. Có lẽ cả cuộc đời này, con chẳng thể tìm được một nụ cười ấm áp hơn thế, cũng như cũng sẽ chẳng có một bát miến lươn nào có thể ngon hơn bát miến con đã ăn ngày hôm ấy.
Con tự nhủ phải tạo ra cái Tết của riêng mình. Và đôi khi con tự hỏi, Tết trong trái tim con là gì? Liệu có phải là cái không khí hân hoan rực rỡ của phố phường tràn ngập sắc đỏ, hay là những món ăn truyền thống ngon miệng và thơm nức mũi? Là bánh chưng, là khói hương trầm, là phong bao lì xì đỏ chót ư?
Ở bên này con cũng có bánh chưng, có lì xì, có nén hương, … nhưng Tết dường như chưa bao giờ tới. Có lẽ vì thiếu một khoảnh khắc giao thừa khi con gái ngồi nhắm rượu với bố, vì không có một bữa cơm bố nấu có canh dưa chua chua ngày mùng sáu Tết, và vì… không có bố.
Bố biết không, có lẽ vì Tết xưa dịu ngọt quá, khiến cứ mỗi lần so sánh với Tết nay, con lại chạnh lòng. Chạnh lòng, rồi cồn cào, khắc khoải vì nhớ, và ước mơ một lần được ăn cái Tết của một mùa xuân xa xôi nào đó.
Con biết có lẽ bố sẽ chẳng bao giờ đọc được lá thư này. Và cũng sẽ không bao giờ con nói với bố rằng con nhớ vô cùng những cái Tết con được ở bên bố. Vì chỉ như thế, con mới dám nói rằng con nhớ thôi là nhớ.
Bố bảo con gái bố mạnh mẽ. Mà con lại sợ làm bố thất vọng vô cùng. Con sẽ cố gắng mạnh mẽ. "Mạnh mẽ không phải là không biết sợ, mà là biết đối mặt với nỗi sợ."
Có lẽ con sẽ dũng cảm đối mặt với nỗi nhớ vẫn luôn âm ỉ và cố gắng tìm cái Tết cho riêng mình. Có thể một ngày nào đó con sẽ tìm được hơi ấm của Tết từ ngay trong trái tim mình, cái ngày mà con đã thật sự trưởng thành để có thể mỉm cười nhìn quá khứ qua đi và mở rộng vòng tay ôm hiện tại vào lòng.
Và dù thế nào đi chăng nữa, thì con biết mình vẫn sẽ vĩnh viễn có thể nhìn thấy nụ cười của bố tối ngày ấy, để biết rằng tình yêu của bố vẫn luôn ở bên con, và để có thêm dũng khí trên con đường đời lắm chông gai phía trước.
Con gái nơi phương xa của bố.
Nguyễn Thị Ngọc Huyền