Trong 6 năm, người đàn ông tiêu biểu cho câu chuyện thành công của xứ sở kim chi đã trở thành kẻ chạy trốn nổi tiếng và khó bắt nhất. Giờ đây, theo những người ủng hộ Kim, luật sư của cựu chủ tịch Daewoo đang thảo luận với các công tố viên Hàn Quốc về khả năng thân chủ về nước - một động thái có tiềm năng là gây tranh cãi nếu Kim ra toà và tiết lộ chi tiết về mối quan hệ giữa các chính trị gia và những doanh nghiệp lớn tại Hàn Quốc.
Kim, 68 tuổi, được gọi là "Ông Daewoo", con người tham công tiếc việc vay 5.000 USD để khởi nghiệp bằng một công ty dệt may nhỏ và trong 3 thập kỷ biến nó thành một tập đoàn khổng lồ sản xuất ôtô, tàu biển, quần áo, TV và xây cao ốc. Năm 1999, hãng này phá sản với 75 tỷ USD nợ. Kim bị cáo buộc gây ra sự sụp đổ này vì thổi phồng tài sản lên 41 tỷ USD và biển thủ từ công ty. Daewoo bị đập vụn, bộ phận kinh doanh ôtô được bán cho General Motors và Tata Motors (Ấn Độ).
Kể từ đó, Kim lẩn trốn ở nước ngoài. Báo chí đưa tin cựu chủ tịch Daewoo, mang hai quốc tịch Hàn Quốc và Pháp, từng trú chân ở Pháp trong một thời gian. Tháng 3/2001, Kim nhận được thông báo của Interpol về việc bắt Kim. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng ông ta không bị các quan chức hành pháp Hàn Quốc truy đuổi gắt gao.
Hãng Yonhap đưa tin, gần đây nhất là vào tháng 4, cư dân Hàn Quốc tại Việt Nam nhìn thấy Kim ở khách sạn Caravelle ở TP HCM. Tiếp tân tại khách sạn này khẳng định một khách đăng ký ở đây với tên Kim Woo Choong và đã trả phòng hôm 10/4.
"Vấn đề là không ai ở Hàn Quốc muốn tìm ông ta cả", Tony Michell, tư vấn kinh doanh theo dõi các vụ tập đoàn tại Seoul, nhận xét. "Ông ta ở đâu là một bí mật mở, và không ai muốn đưa ông ta trở về".
Baik Kee Seung, cựu giám đốc quan hệ công chúng tập đoàn Daewoo, cho biết các cuộc thảo luận giữa luật sư của Kim với các công tố viên về chuyện đưa ông trở về chưa đạt kết quả.
Sự trở về của Kim sẽ đặt ra một thách thức về mặt luật pháp và đạo đức với các chính trị gia Hàn Quốc cũng như cơ quan hành pháp, những người tuyên bố sẵn sàng chống tội phạm kinh tế và làm trong sạch hình ảnh nhơ bẩn của doanh nhân nước này.
Ở đất nước chính trị từ lâu đã nhận tiền từ giới kinh doanh, theo các nhà phân tích, phiên toà xét xử Kim có thể là mối lo ngại với các quan chức và doanh nhân cỡ bự.
Là một trong những nhà kinh doanh nổi tiếng nhất Hàn Quốc, Kim có mối quan hệ tốt với các đời tổng thống liên tiếp, từ độc tài Park Chung Hee cho tới Kim Tê Chung. Năm 1996, Kim bị kết án tù treo vì đã đóng góp nhiều khoản tiền bất hợp pháp cho hai cựu tổng thống.
Những người vận động vì cải thiện tình trạng quản lý doanh nghiệp ở Hàn Quốc lo ngại các công tố viên có thể đạt thoả thuận tha bổng cho Kim, tính đến tất cả thời gian ông ta lưu vong. Việc này sẽ là một bước thụt lùi với những nỗ lực tăng trách nhiệm của doanh nghệp kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế 1997-1998, sự kiện mà người ta nhận định một phần nguyên nhân là Daewoo sụp đổ.
"Trước khủng hoảng, ai cũng ngưỡng mộ ông ta", Kim Woo Chan, giáo sư chính sách công và quản lý tại Viện Phát triển Triều Tiên, nói. "Trong khủng hoảng, khi người ta thấy công ty đã bị điều hành tệ như thế nào, thì ai cũng thất vọng, và có thái độ ngược lại. Tuy nhiên, giờ đây, tâm trạng chung đã thay đổi vì một số lý do".
Khoảng 30 cựu nhân viên Daewoo thiết lập Daewoo World Forum (Diễn đàn Thế giới Daewoo) và trang web tập trung sự ủng hộ dành cho cựu chủ tịch tập đoàn. Tranh luận về vụ Kim và Daewoo phá sản, họ dự định mời các chính trị gia của đảng cầm quyền và đối lập, doanh nhân và học giả tới hội thảo ngày 24/6 tới.
Nguyễn Hạnh (theo IHT)