![]() |
Tháp xác định tâm địa lý của châu Á. Ảnh: từ Tuổi Trẻ. |
Mùa này, trên Thiên Sơn không thấy mai, nhưng chúng tôi lại gặp được tuyết liên - loài hoa cánh trắng vàng, nhụy đỏ tím, mọc trên tuyết trắng. Dãy Thiên Sơn 2.500 km chạy từ đông sang tây, từ Trung Quốc sang đến Liên Xô cũ, qua vị trí nằm chính giữa đại lục.
Từ Tô Lô Phan đến thành phố Urumqi (thủ phủ tỉnh Tân Cương), nhiệt độ thay đổi bất ngờ, trời chiều lạnh làm mọi người không kịp trở tay! Đường đi qua một hồ muối, diện tích đến 19km2, nằm trong một hẻm núi của Thiên Sơn, hướng dẫn viên cho biết nó có thể cung cấp đủ muối cho 1,3 tỉ dân Trung Quốc đủ dùng trong 10 năm! Và đi ngang qua những cột chong chóng khổng lồ tích điện từ kho gió vô tận của hoang mạc.
Urumqi, theo tiếng Mông Cổ nghĩa là "mục trường (bãi chăn thả) xinh đẹp", còn có tên chữ Hán là Ô Lỗ Mộc Tề, nằm ở chân núi phía bắc Thiên Sơn, xưa kia là xứ sở Đột Quyết. Urumqi là thành phố xa biển nhất thế giới, nhưng giao thông rất thuận tiện. Có tuyến đường sắt lên A La Sơn khẩu nối với đường sắt Liên Xô cũ đi đến tận Rotterdam (Hà Lan). Máy bay cất cánh từ đây sang châu Âu, sang châu Á mỗi ngày. Khi chúng tôi đến, Urumqi đang vào lúc cao điểm đông đúc xe cộ, đường sá ngang dọc, trên dưới nhiều tầng. Đèn đêm rực sáng vẻ đẹp hiện đại của một thành phố mới. Nhiệt độ chỉ vài độ C.
Chúng tôi lên xe ca đi thăm Thiên Trì trên Thiên Sơn. Mùa thu, tuyết núi đã vơi đi rất nhiều nhưng vẫn đủ sức làm chết lặng những ai lần đầu tiên được gặp tuyết, tuyết của dãy núi từng được gọi là Băng Sơn này. Cận cảnh, tuyết trắng như bông, xốp như kem, bám trên thông, trên hàng rào, mái nhà, băng ghế. Xa xa, tuyết theo những dòng sông băng chưa tan, đổ ánh nắng lấp lóa xuống chân núi.
Đường lên núi, những cây hồ dương được cô hướng dẫn viên hào hứng giới thiệu như là một đặc sản vùng Trung Á: cây thân cao duy nhất sống được trên hoang mạc, có thể cao đến 30 m, nhờ chống được gió cát, nóng hạn. Hồ dương được ca ngợi là cây "tam thiên tuế": ngàn năm không chết, (nếu chết) ngàn năm không đổ, (nếu đổ) ngàn năm không mục! Lúc này xe cáp tạm ngưng hoạt động vì lý do an toàn. Đến trạm dừng, du khách phải đi bộ lên thăm Thiên Trì.
Thiên Trì là hồ nước trong xanh, hình bán nguyệt giữa các ngọn tuyết sơn vây kín, trên độ cao gần 2.000m, soi bóng cho đỉnh Bogda 5.445m. Không sâu, không rộng bằng Thiên Trì trên miệng núi lửa Trường Bạch (Cát Lâm), Thiên Trì của Thiên Sơn hùng vĩ, lộng lẫy, bốn mùa bốn sắc. Khi chúng tôi lên thuyền dạo trên hồ, bên bờ, những người dân đang chào bán những bông tuyết liên to hơn nắm tay như một loại dược liệu quí hiếm, bên cạnh những trái bắp luộc bốc khói có màu nếp than chỉ để ăn vặt.
Nước hồ trong như ngọc. Núi tuyết khi in bóng mình lên mặt nước hồ ngọc đã làm thành bức tranh thủy mặc minh họa tuyệt mỹ cho câu thơ cuối của Vương Xương Linh trong bài Phù Dung lâu tống Tân Tiệm (Ở lầu Phù Dung, tiễn Tân Tiệm) nổi tiếng: "Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ (một tấm lòng băng giữa hồ ngọc)". Thấp thoáng nơi xa, những túp lều da du mục hình trụ chen lẫn với thông xanh làm ấm lên cảnh vật nhờ vào chút bóng dáng con người.
Thuyền cập vào một bến nhỏ, có bậc đá dẫn lên Dao Trì cung, chính là miếu thờ Tây Vương Mẫu trên núi, từ dưới nhìn lên thấy rất rõ vòng tròn thái cực âm dương với sắc màu Đạo giáo. Ra vào miếu phải qua hai lối có tên "Đạo thành" và "Thành đạo". Trong miếu có hai nữ đạo sĩ chăm lo việc nhang đèn và việc thu cho đủ 10 tệ mỗi du khách khi nhang đèn cúng vái. Tiếng chuông buồn trên miếu vắng tiễn chúng tôi quay về bến cũ, và rời hồ trên núi cao.
![]() |
Thật xúc động khi được đứng bên biểu tượng của Việt Nam ở tâm điểm châu Á. Ảnh: từ Tuổi Trẻ. |
Trung tâm địa lý lục địa châu Á nằm ở làng Bao Gia Tào Tử, thôn Vĩnh Phong, cách trung tâm Urumqi 30 km về phía tây nam. Đây là vị trí cách xa biển nhất, có tính chất lục địa rõ nét nhất. Tọa độ là kinh độ đông 87 độ 19 52", vĩ độ bắc 43 độ 4037". Độ cao so với mặt nước biển là 1.264m - 1.280m.
Đường đến đây tráng nhựa, rộng thoáng nhưng hẻo lánh. Dọc đường chỉ thấy mấy trại nuôi ong hoặc vài gian nhà kho trống vắng. Nơi đến không một bóng người, trừ người soát vé vào cổng không khỏi ngạc nhiên khi mùa này lại có thể bán được vé cho một đoàn khách đến thăm.
Lối vào từ đường cái dẫn đến trung tâm hơn 1km, hai bên là hai dãy panô to giới thiệu các quốc gia châu Á, mỗi nước với quốc kỳ, quốc hiệu, tên thủ đô và một bức ảnh giới thiệu phong cảnh hoặc công trình tiêu biểu của đất nước. Chúng tôi đã vỗ tay reo hò thật lớn khi thấy sắc đỏ và hai chữ Việt Nam!
Quảng trường trung tâm hình tròn, bằng đá cẩm thạch đen, trên đó lại ốp đá cẩm thạch đỏ hình đại lục châu Á. Ở trung tâm có một tháp hình bốn cánh tay đỡ lấy một quả địa cầu, đồng thời cũng là cái giá định vị cho một sợi dây dọi trỏ xuống cột mốc xác định tâm địa lý của châu Á. Vòng quanh quảng trường là 49 bệ của 49 nước cũng xếp theo hình vòng tròn bao quanh. Mỗi bệ ghi tên nước, quốc kỳ và vài dòng tóm tắt kèm theo hình ảnh. Trên bệ là một khối lập phương mà mặt trong hướng về quảng trường đắp nổi bản đồ nước đó. Riêng Đông Timor, mới được thành lập, chỉ có bệ mà chưa kịp có khối vuông bản đồ.
Đứng ở phương xa này trong một sáng lồng lộng gió thu từ bốn phương, chúng tôi xúc động và tự hào nhìn ngắm biểu tượng của đất nước Việt Nam. Bỗng nghe trong gió tiếng vọng hào hùng từ Hát Giang, Bạch Đằng Giang, Chi Lăng, Đống Đa, hòa cùng nhịp thơ sang sảng của Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Cáo bình Ngô… Và nghe rất rõ nơi tâm điểm của châu Á này, trái tim mình hát lên bài ca muôn đời tổ quốc!
(Theo Tuổi Trẻ)