Hơn 20 năm trước, Shizuo Shinoda, một kỹ sư người Nhật Bản, đang đào bới bằng một chiếc máy ủi thì vô tình cạo lên mặt đường những vệt dài. Lái xe qua đoạn đường này, ông nhận thấy những rung động có thể tạo nên một giai điệu, tuỳ thuộc vào độ sâu và khoảng cách giữa những rãnh nhỏ.
Năm 2007, một nhóm kỹ sư từ Viện nghiên cứu Công nghiệp Quốc gia Hokkaido đã tinh chỉnh các thiết kế của Shinoda và xây dựng lên một số "con đường âm nhạc" ở xứ sở hoa anh đào.
Những con đường này có các lùm cây được cắt tỉa và trồng theo những khoảng cách nhất định. Tùy thuộc vào khoảng cách gần-xa giữa các rãnh và độ nông-sâu của chúng trên mặt đường, mỗi khi một chiếc xe đi qua, chúng sẽ tạo thành các giai điệu vui tai. Các rãnh gần nhau thì độ cao của âm càng cao. Tất nhiên, yếu tố quan trọng nhất để tạo nên các giai điệu này chính là tốc độ của mỗi chiếc xe.
Tại Nhật Bản có 4 con đường "biết hát", nằm ở Hokkaido, Wakayama, Shizuoka và Gunma. Các con đường chơi những giai điệu khác nhau và có độ dài từ 175 đến 250m.
Trên đường có các biển báo để báo cho người lái xe về đoạn đường phát ra âm nhạc họ sắp đi tới. Các con đường cũng được đánh dấu bằng việc người ta vẽ sơn lên đó các nốt nhạc nhiều màu sắc. Các rãnh để tạo ra các bản nhạc được nằm gần lề đường, thay vì giữa đường. Do đó, tài xế có thể chọn đi vào đoạn có thể tạo ra tiếng nhạc, hoặc tránh chúng.
Để nghe được giai điệu, họ cần phải đóng cửa sổ xe và lái xe ở tốc độ hơn 70 km/h. Nếu bạn lái quá nhanh, âm thanh phát ra giống như một cuộn băng được tua nhanh. Lái quá chậm sẽ có hiệu ứng ngược lại.
Nhật Bản không phải là nơi đầu tiên có các con đường biết hát. Con đường âm nhạc đầu tiên xuất hiện là ở Gylling, Đan Mạch vào năm 1995. Hai nghệ sĩ đã tạo ra tác phẩm này là Steen Krarup Jensen và Jakob Freud-Magnus.
Ý tưởng này cũng thu hút sự quan tâm của các kỹ sư ở các quốc gia khác. Tại Hàn Quốc, một con đường tương tự cũng xuất hiện ở gần Anyang, tỉnh Gyeonggi với giai điệu vui nhộn Mary Had a Little Lamb. Mục đích ra đời của con đường âm nhạc này không phải thu hút khách du lịch, mà là để lái xe tỉnh táo, không ngủ gật hay lái xe quá tốc độ.
Mỹ có con đường giai điệu đầu tiên vào năm 2008. Sau đó, cư dân phàn nàn rằng các đường rãnh tạo ra quá nhiều tiếng ồn từ những người lái xe về đêm nên con đường đã bị "tắt tiếng" và di dời đến địa điểm khác.
Anh Minh (Theo Wonderful Engineering)