Nhưng nó tiếp tục đậu lên vai một người khác. Bà này cũng nhảy lên xua đuổi con gián trong trạng thái giận dữ, hoảng loạn. Sự hoảng loạn cứ thế lan rộng, khiến nhà hàng nhốn nháo. Sự việc chỉ kết thúc khi người bồi bàn bình tĩnh lấy chiếc khăn xua nhẹ và con gián vô tình bay sang vai anh. Anh chậm rãi đi ra cửa, rồi chạm nhẹ vào nó. Con gián tự bay ra vườn. Sự hỗn loạn kết thúc.
Sundar Pichai, CEO của Alphabet, công ty mẹ của Google, kể câu chuyện này trong một bài phát biểu, rồi kết luận: chính phản ứng bản năng, thiếu kiểm soát của thực khách trong nhà hàng mới là vấn đề, chứ không phải con gián.
Nếu coi mâu thuẫn ban đầu trong quán karaoke ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội hôm 18/12 là sự cố tương tự con gián không ai mong đợi từ đâu bay tới, thì một kết thúc ổn thỏa, xót xa thay, đã không diễn ra như trong câu chuyện của Pichai. Nó bùng lên thành ngọn lửa. Kẻ phóng hỏa để giải quyết một xích mích nhỏ bị bắt ngay trong đêm. Mọi giả thiết "giá như" đặt ra bây giờ đều trở nên vô nghĩa trước 11 con người vừa thiệt mạng oan khuất.
Chỉ trước đó một ngày, một tài xế vừa bị tạm giữ hình sự vì hành hung người khác chỉ vì nghĩ mình bị ép xe khi tham gia giao thông.
Có nhiều nguyên nhân được đưa ra để giải thích cho các hành vi bạo lực, từ yếu tố khách quan như tác động của bia rượu, áp lực, căng thẳng trong công việc, cuộc sống, ảnh hưởng của phim ảnh, sự kích động của những người xung quanh... đến yếu tố chủ quan như: sự tự ái, cái tôi cá nhân, tính cách yêng hùng, coi trời bằng vung, hay vấn đề văn hóa và nhận thức hạn hẹp của cá nhân... Nhưng mọi nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân chủ yếu là để đưa ra giải pháp hạn chế, giảm thiểu bạo lực tương tự trong tương lai, chứ không phải để hợp lý hóa hay biện minh cho những hành động thiếu suy nghĩ hoặc thiếu nhân tính.
Từ xa xưa, cha ông đã có câu "cả giận mất khôn" và để tránh rơi vào "cả giận", cần "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói". Trong công việc, tôi cũng từng tiếp xúc với không ít câu chuyện, đối mặt với không ít tình huống xung đột, mà nếu người trong cuộc không biết kiềm chế bản thân, hậu quả đều sẽ khó lường. Từ những trải nghiệm này, cũng như các quan sát riêng, tôi cho rằng, phần lớn hành vi bạo lực xuất phát từ sự trỗi dậy của bản năng, vượt khỏi những chỉ dẫn yếu ớt của lý trí. Câu hỏi, làm thế nào để kiềm chế tức thì, cũng như tích lũy và trang bị cho mình văn hóa và kỹ năng ứng phó với những cơn giận sục sôi trong tâm trí là điều cần được đặt ra.
Khi có mâu thuẫn, va chạm, việc hít thở sâu sẽ giúp giải tỏa cơn giận tức thời. Đây được coi như một liệu pháp tự sơ cứu tâm lý cho mình. Người mang cơn giận có thể kết hợp với đếm (thầm hoặc thành tiếng) từ một đến mười, nhiều khi hơn, cho đến khi cơn tức giận giảm xuống. Cách này tôi đã tư vấn và mang lại hiệu quả cho không ít trường hợp, chẳng hạn, với một người chồng, mà cứ mỗi lần có cãi vã, vợ anh lại vớ lấy con dao giơ lên thách thức "mày giết tao đi".
Trong trường hợp bị hành hung, người bị tấn công nên ưu tiên đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh thay vì cố "ăn thua" bằng cách đối đầu. Đôi khi, chính cách chúng ta phản ứng lại khiến bầu không khí thêm căng thẳng và đẩy mâu thuẫn lên cao hơn.
Hãy tìm cách rời khỏi hiện trường, tìm chỗ có vật cản hoặc nơi đông người để ngăn cách với kẻ hành hung và nhờ sự trợ giúp từ người xung quanh. Đây không phải là sự hèn nhát, thiếu bản lĩnh mà là cách để đảm bảo an toàn. Trong những lúc này, "tránh voi chả xấu mặt nào" chính là một "minh triết bảo thân".
Nhiều thống kê đã cho thấy, rượu bia và các chất gây nghiện được thừa nhận rộng rãi là những tác nhân dẫn con người đến các hành vi thiếu kiểm soát. Tôi không định nói bia rượu là xấu, không định đổ vấy cho bia rượu, nhưng hiểu được thực tế này, ta có thể chủ động hạn chế các cuộc nhậu, tránh say nơi công cộng, và hơn hết, tránh chấp nhặt hơn thua với những kẻ đã có chút hơi men. Và khi nhận thấy đối phương có những biểu hiện không bình thường, tốt nhất là đề phòng, giữ khoảng cách.
Ngoài những biện pháp kiềm chế bản thân tức thì này, sâu xa hơn, giáo dục về văn hóa ứng xử, kiểm soát cảm xúc và hành vi tiêu cực cần được đẩy mạnh. Điều này nghe có vẻ giáo điều, nhưng thực tế sự rèn luyện luôn mang lại lợi ích. Được học và thực hành kỹ năng xử lý khi gặp phải tình huống dẫn đến căng thẳng, mâu thuẫn, xung đột với người khác ngay từ bé, con người sẽ có cơ hội chín chắn, điềm tĩnh hơn khi trưởng thành.
Như Sundar Pichai đã nói trong "Thuyết con gián", ứng phó có chủ đích bao giờ cũng tốt hơn là phản ứng bản năng. Và những điều tôi nói trên đây, cũng chỉ hy vọng có tác dụng kiềm chế cơn giận bản năng, ứng phó tình huống tiềm tàng bạo lực, với những người còn ít nhiều có nhận thức và lý trí.
Nguyễn Minh Hoàng