Tự kỷ là một bệnh lý phức tạp không do một yếu tố đơn lẻ nào gây nên. Trong các tìm hiểu trước đây, các nhà khoa học đã đưa ra tác động của gene, chế độ ăn của thai phụ và ô nhiễm môi trường đến tự kỷ.
Theo nghiên cứu mới đây của ĐH California (Mỹ), phơi nhiễm với hóa chất bảo vệ thực vật trong thời kỳ mang thai của mẹ là một yếu tố khác liên quan tới tự kỷ ở trẻ.
Giáo sư dịch tễ học Irva Hertz-Picciotto, ĐH California, đã tận dụng quy định của bang về ghi chép các hóa chất nông nghiệp đã sử dụng để tiến hành nghiên cứu này. Bà đối chiếu dữ liệu về nơi thuốc trừ sâu hay các hóa chất bảo vệ thực vật khác được phun với địa chỉ của các phụ nữ tham gia khảo sát. Trong số đó có khoảng 1/3 thai phụ sống trong bán kính ít nhất là 1,6 km với cánh đồng hoặc trang trại có sử dụng hóa chất.
Kết quả cho thấy, khả năng có con rối loạn phổ tự kỷ của các phụ nữ này tăng tới 60%. Ngoài ra, trẻ còn có nguy cơ chậm phát triển và các rối loạn khác, với rủi ro cao nhất được ghi nhận nếu người mẹ phơi nhiễm hóa chất trong ba tháng cuối thai kỳ.
Tác giả nghiên cứu, giáo sư Irva giải thích, thuốc diệt côn trùng là một chất độc hại với thần kinh và thai nhi là đối tượng đặc biệt dễ tổn thương bởi não bộ các em đang trong giai đoạn phát triển cấu trúc và kết nối thần kinh quan trọng. Quá trình đó có thể bị can thiệp bởi hóa chất bảo vệ thực vật.
“Nhiều loại thuốc trừ sâu hoạt động với cơ chế tấn công vào hệ thần kinh các sinh vật bậc thấp. Do vậy, nó nên được sử dụng một cách thận trọng bởi hóa chất này có thể gây hại tới cả não bộ con người. Vấn đề đặt ra ở đây chính là sử dụng liều lượng như thế nào”, giáo sư Irva nhận định.
Nghiên cứu thực hiện trên hơn 1.000 người, song tác giả cũng khẳng định không có bằng chứng rõ ràng rằng thuốc trừ sâu hay các hóa chất nông nghiệp khác “gây ra” tự kỷ. Nghiên cứu chỉ chứng minh rằng đây là nhân tố tiềm tàng khiến nguy cơ mắc tự kỷ cao hơn.
Nghiên cứu cũng không đưa ra số liệu về thời gian ở nhà thực tế của những thai phụ này khi hóa chất được phun, chế độ dinh dưỡng có thể bao gồm dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm, nghề nghiệp hay các nhân tố khác có thể đóng vai trò nào đó tới nguy cơ tự kỷ của trẻ. Mặc dù vậy, nghiên cứu đã bổ sung bằng chứng về mối liên quan giữa phơi nhiễm hóa chất trừ sâu với những vấn đề phát triển tiềm ẩn của thai nhi và làm tiền đề cho những nghiên cứu sâu hơn, tìm kiếm ảnh hưởng thực sự của việc tiếp xúc hóa chất với tự kỷ ở trẻ.
Khánh Hà (Theo Time)