Ai cũng có thể tìm cho mình chút cảm xúc mơ hồ về tình người xa xứ khi nghe một bài hát, đọc một câu chuyện hoặc xem một bộ phim về đề tài này. Nhưng không ai thấu hiểu trọn vẹn cái tình xa xứ nếu chưa một lần xách vali lên và bay tới một vùng đất lạ lẫm.
Hàng đêm, tôi vẫn đợi để tâm sự với một chàng trai xa xứ để hy vọng có thể rót vào tim những cảm xúc cho câu chữ chảy theo ngòi bút. Anh xởi lởi và dễ nói chuyện hơn tôi nghĩ rất nhiều. Thông tin nhặt nhạnh từ những dòng tin nhắn của anh khiến tôi quyết định sẽ viết một câu chuyện mà anh là người kể. Viết được đoạn đầu, tôi đọc đi đọc lại, rồi nhận ra nó thiếu cái vị gì chát đắng, nghèn nghẹn, thiếu cả cái thật thà trong câu chữ. Cảm xúc thì không thể nào chắp vá, tôi đã xóa đi những gì mình vừa viết. Phải chăng nỗi lòng của người xa xứ khó minh họa bằng lời? Bản thân anh cũng không biết nói sao để tôi hiểu tâm trạng của anh. Anh bảo có cái gì đó khi nhắc tới tâm trí luôn mường tượng được, ruột gan cồn cào mà không thể viết ra.
Năm anh học hết trung học phổ thông, trong khi bạn bè cùng trang lứa chọn đại học để lập nghiệp thì anh lại chơi vơi không biết mình phải làm gì. Bố anh khi ấy là công nhân của một công ty xây dựng ở thành phố Krasnodar, Nga. Người trong làng thường nghĩ ra nước ngoài làm ăn là một điều gì đó sung sướng và oách lắm. Nhưng chẳng phải, công việc đâu có nhàn nhã và bố anh cũng chỉ là người đi làm thuê. Không muốn con trai lông bông, bố anh điện về bảo anh chuẩn bị thủ tục qua đó làm cùng bố.
Mọi thứ đã sẵn sàng cho chuyến bay vào tháng 6 của anh thì bỗng cả nhà nhận được tin dữ, bố anh suy thận, sẽ về Việt Nam gấp. Anh chỉ biết hy vọng những lời mình nghe được là nói đùa. 3 ngày sau, anh cùng mẹ và em trai có mặt tại sân bay quốc tế Nội Bài đón bố. Ngày trở về của bố rất gấp, nỗi buồn nhiều hơn niềm vui đoàn tụ. Không hoa quà rực rỡ, 3 mẹ con đứng ở một góc nhà chờ của sân bay, bố xuất hiện bất ngờ trong cái tím tái xanh xao, trong mệt mỏi lo âu và cả chút buồn man mác. Bố vẫn cười, nụ cười gượng gạo, ôm em trai anh vào lòng. Cu cậu chẳng hả hê rối rít như những ngóng trông thường vẫn kể với anh trai. Nó chớp mắt, nhìn bố lạ lẫm trong dáng hình còm cõi. Bệnh tật khiến bố gầy và suy sụp nhiều quá. Mẹ đỡ lấy vali và túi hành lý trên tay bố, mẹ khóc. Anh chỉ biết giục: “Cả nhà mình về thôi, xe đợi ngoài kia rồi”.
Một tuần một lần, rồi hai lần lọc máu… mẹ lo tiền chữa trị cho bố, bữa cơm quây quần hạnh phúc trở nên hiếm hoi với gia đình anh. Đáng lẽ sau ngày bố về, cả nhà sẽ được hưởng niềm vui đoàn tụ, nhưng cuộc đời thật khéo trêu người. Không khí gia đình nặng nề, ai cũng thấp thỏm, sợ ngày bố ra đi… 8 tháng sau bố mất. Mẹ anh, người phụ nữ mới hơn 36 đã góa chồng, anh và em trai mồ côi cha. Mẹ anh tiều tụy và suy sụp trước cú sốc quá lớn, biết bao giờ mẹ mới bình tâm trở lại. Anh đau đớn, sợ hãi, rồi đây anh sẽ phải là người thay bố lo cho gia đình.
Cứ mãi giấu yêu thương thì e rằng ngày mai ta không còn cơ hội mà thể hiện nó. Chẳng ai ngờ bố anh lại ra đi nhanh như thế. Đứa con trai 19 tuổi còn chưa làm được gì cho bố mình… Anh vẫn quyết định sang Nga, dù sao mọi thủ tục anh cũng lo đủ hết rồi.
8h ngày 20/12/2012, tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, anh chia tay cả nhà trong lời dặn giữ gìn sức khỏe của bác, trong những dòng nước giàn giụa của mẹ và trong tiếng khóc rưng rức của đứa em trai. Gần 14 tiếng ngồi trên máy bay, cuối cùng thì anh cũng tới nơi. Tháng 12, Krasnodar lạnh tê tái, anh thấy tim mình thắt lại vì lạnh, vì sợ. Không biết anh sẽ làm gì nơi đất khách quê người…
Anh được dẫn tới khu nhà tập thể dành cho công nhân Việt Nam. Mọi người hỏi thăm anh, lần đầu tiên, chàng thanh niên 19 cảm nhận được tình đồng hương đáng trân trọng và ấm áp như thế nào. Anh có một vài ngày rong chơi ở thành phố để quen với cuộc sống mới. Lần đầu tiên được leo lên tầng 24 của một tòa nhà, anh sung sướng, hồi hộp. Anh ngắm nhìn nơi sẽ gắn bó trong những năm tới, rồi thầm nghĩ chẳng biết đến bao giờ ngôi làng nghèo khó của anh mới phát triển được như thế này. Anh muốn khoe với mẹ, với em trai những trải nghiệm đầu tiên khi xa xứ. Tự nhiên anh thấy bố thật gần, anh ngước lên trời rồi thì thầm: “Con đã đến nơi rồi bố ơi”.
Hà Thị Nga
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com