Đầu thập niên 1940, khoảng 2.000 người yêu chim ở Anh đã hiến những con bồ câu của họ cho quân đội để làm nhiệm vụ đưa thư. Hàng loạt chuồng chim bồ câu cố định được đóng ở các căn cứ lục quân và không quân, cùng nhiều chuồng chim di động để phục vụ liên lạc. Một trong những con chim như vậy đã cứu mạng một tổ lái oanh tạc cơ gặp nạn trên biển.
Không quân Anh khi đó thường dùng oanh tạc cơ thả các thùng chứa bồ câu bằng dù xuống cho lực lượng kháng chiến ở Hà Lan, Bỉ và Pháp. Ngày 3/2/1942, một oanh tạc cơ Beaufighter của không quân Anh trở về sau khi hoàn thành một nhiệm vụ thả bồ câu như vậy. Tuy nhiên, chiếc phi cơ rơi xuống biển khi còn cách bờ khoảng 160 km vì hỏng nặng do trúng hỏa lực đối phương.
4 thành viên tổ lái thoát khỏi máy bay an toàn, nhưng trôi dạt giữa vùng biển lạnh giá mà không có cách nào liên lạc được với căn cứ để thông báo vị trí chính xác của mình. Con chim bồ câu Winkie mà họ mang theo trên máy bay là hy vọng cuối cùng.
Các phi công thả Winkie để nó bay về đất liền, với hy vọng ai đó sẽ tìm thấy nó và thông báo với không quân Anh. Con chim nhỏ bé đã không làm họ thất vọng, khi vượt qua quãng đường gần 200 km, trở về chuồng cũ ở vùng Broughty Frerry, ngoại ô thành phố Dundee, Scotland.
George Ross, người chủ trước đây của Winkie, tìm ra nó trong tình trạng kiệt sức và bám đầy dầu mỡ, nên lập tức thông báo cho căn cứ Leuchars gần đó.
Dù Winkie không mang theo tin nhắn dưới chân, không quân Anh vẫn có thể xác định được vị trí máy bay rơi bằng cách tính thời gian chênh lệch giữa thời điểm máy bay rơi và lúc Winkie về chuồng, cũng như hướng gió và ảnh hưởng của dầu với khả năng bay của con chim.
Lực lượng cứu hộ phát hiện và giải cứu tổ lái Beaufighter chỉ sau 15 phút xuất phát. "Những binh sĩ này hẳn đã thiệt mạng trong nước biển giá lạnh nếu con chim bồ câu không về đến nhà", Elaine Pendlebury, bác sĩ thú y ở London, nhận xét.
Các thành viên tổ lái mở một bữa tiệc lớn để vinh danh Winkie sau khi trở về căn cứ. Ngày 2/12/1943, Winkie cùng hai con chim khác là Tyke và White Vision được tặng huân chương Dickin vì thành tích chuyển thông điệp trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, đóng góp vào nỗ lực giải cứu tổ lái không quân.
Sau khi Winkie chết, người chủ đã hiến xác nó và huân chương Dickin cho Bảo tàng trưng bày Nghệ thuật Dundee.
Duy Sơn (Theo War History)