Giới phân tích một tuần gần đây không còn đơn thuần nhắc tới rủi ro lạm phát khi đánh giá về ảnh hưởng kinh tế của cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Thay vào đó, một khái niệm khác là "lạm phát kèm suy thoái" (stagflation). Thuật ngữ dùng để chỉ điều kiện tăng trưởng kinh tế chậm, tỷ lệ thất nghiệp cao, kèm theo giá cả tăng, nói cách khác là lạm phát kèm sụt giảm tăng trưởng GDP.
"Lạm phát kèm suy thoái" được nhắc đến khi căng thẳng ngày càng leo thang trên mặt trận kinh tế giữa các nước phương Tây và Nga. Việt Nam, với độ mở kinh tế hơn 200% GDP, càng khó tránh khỏi rủi ro này.
Rủi ro đầu tiên chính là giá dầu. Giá thế giới đã tăng vọt lên gần 140 USD mỗi thùng, cao nhất 14 năm. Giá dầu tăng cao đồng nghĩa gia tăng chi phí cho hầu hết ngành sản xuất, áp lực lạm phát với kinh tế toàn cầu càng lớn hơn.
Theo các chuyên gia, giá xăng dầu trong nước có thể lên sát 30.000 đồng một lít vào kỳ điều chỉnh sắp tới.
Xét trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính CPI, yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm giao thông, đứng thứ ba về quyền số tính CPI. Bên cạnh đó, giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm đứng đầu chiếm hơn 33% quyền số tính CPI - cũng gián tiếp bị ảnh hưởng.
Trong bối cảnh giá dầu tăng cao, theo HSBC, thương mại của Việt Nam đã bắt đầu bị tác động và thấy rõ ở kim ngạch nhập khẩu. Nhập khẩu xăng dầu trong tháng 2 tăng gần gấp đôi mức trung bình một tháng của năm 2021. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đang phải cắt giảm công suất xuống còn 80% và một trong những giải pháp để bù đắp nguồn cung là Bộ Công Thương giao các doanh nghiệp tăng nhập khẩu 2,4 triệu m3 xăng trong quý II.
Lạm phát tăng 1,4% trong tháng trước cũng chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng trên 15% so với cùng kỳ, một xu hướng đã kéo dài.
Ngưỡng giá trên 100 USD một thùng được duy trì nửa tháng qua, thực tế đã giúp thu ngân sách hai tháng đầu năm nay từ dầu thô tăng hơn 57%, đóng góp gần 29% vào dự toán thu ngân sách. Theo đánh giá của Petro Vietnam, giá dầu lên cao giúp ngành dầu khí Việt Nam hưởng lợi, nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu dầu thô tăng. Kèm theo đó là các khoản tăng thu từ thuế, phí với dầu mỏ, xăng dầu thành phẩm tiêu thụ trong nước...
Nhưng đó chưa phải toàn bộ vấn đề, khi chuỗi cung ứng vẫn còn căng thẳng vì Covid-19, không chỉ nhiên liệu mà giá hàng hóa cơ bản cũng leo thang cùng với diễn biến Nga - Ukraine.
"Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần đặc biệt lưu tâm đến những rủi ro về lạm phát vì giá hàng hóa tăng là vấn đề xảy ra trên diện rộng chứ không chỉ xoay quanh nhiên liệu", HSBC bình luận.
Nga là nhà cung cấp lớn trên thị trường toàn cầu với nhiều mặt hàng. Sự gián đoạn trong quá trình sản xuất hoặc phân phối các sản phẩm đó có thể phá vỡ chuỗi cung ứng, ảnh hưởng giá nhiều mặt hàng quan trọng. Chỉ trong hơn một tuần gần đây, giá các mặt hàng thế mạnh của Nga như lúa mỳ, phân bón, than, thép, các kim loại cơ bản, đều tăng vọt.
Như trường hợp phân bón, Nga là nước sản xuất lớn về urê và kali. Không phải ngẫu nhiên mà cổ phiếu phân bón trên sàn chứng khoán Việt Nam tăng vọt, một phân khúc tưởng chừng không liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Nhưng thực tế, nhà đầu tư lo ngại sự đứt gãy trong cung ứng các thành phần của phân bón có thể khiến giá bán các sản phẩm này tăng lên.
Riêng với Việt Nam, giá phân bón, vật tư nông nghiệp là "nỗi ám ảnh" với những người nông dân, là bài toán khó với cơ quan quản lý trong năm trước. Từ đầu năm 2021, giá phân bón sản xuất trong nước, nhập khẩu tăng khoảng 60-80%. Giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng vọt, trong khi giá các sản phẩm đầu ra bấp bênh tạo ra khó khăn kép cho người dân. Nếu điều này tiếp tục lặp lại, việc giải bài toán kiềm chế lạm phát càng thêm khó.
Thép cũng tương tự. Nga và Ukraine cũng chiếm tới 14% thị phần nguồn cung thép cho thế giới. Nguồn cung thép khan hiếm hơn khiến các quốc gia nhập khẩu từ hai nước này đổ dồn sang tìm nguồn thay thế từ Trung Quốc. Giá thép thanh vằn tương lai tại thị trường Trung Quốc đã tăng 7% từ thời điểm căng thẳng Nga - Ukraine diễn ra. Trong nước, giá thép đã điều chỉnh tăng ba lần chỉ trong một tháng gần nhất.
Thước đo nỗi sợ của thị trường với lạm phát rõ ràng nhất là vàng. Lo ngại về "bóng ma" lạm phát trở lại là động lực chính đẩy kim loại quý tăng vọt những phiên gần đây, khi nhà đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro để tìm tới những kênh "trú ẩn an toàn". Mỗi ounce vàng tăng lên gần 2.070 USD, mức đỉnh trong 18 tháng.
Trong nước, giá vàng biến động tính bằng phút, lập đỉnh 74,4 triệu đồng mỗi lượng vào ngày hôm qua, trước khi thu hẹp đà giảm trong hôm nay. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lên tới gần 20 triệu đồng đã phần nào thể hiện "sức nóng" của thị trường.
"Thị trường chứng khoán đang vật lộn với cú sốc nguồn cung hàng hóa lớn, bao gồm cả giá dầu và lo ngại rằng điều này có thể biến thành cú sốc lạm phát kèm suy thoái thay vì chỉ là vấn đề lạm phát", Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics, cho biết.
Các chuyên gia chưa có phương án về khả năng ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP Việt Nam. Tuy nhiên, theo tính toán của Dragon Capital, lạm phát của Việt Nam sẽ dao động từ 3,58% đến 3,8% và tệ nhất là lên 4,18% nếu giá dầu giữ ở mức 105 USD một thùng. Ngoài ra, thặng dư thương mại của Việt Nam có thể thu hẹp nếu giá dầu neo ở mức cao.
"Trong năm 2022, thách thức lớn nhất của kinh tế Việt Nam cũng giống như các quốc gia là phải đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan trong lựa chọn chính sách", TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Viện trưởng Viện Công Nghệ Tài Chính (Đại học Kinh Tế TP HCM) nói.
Nếu muốn thúc đẩy hoạt động phục hồi kinh tế, Chính phủ cần phải duy trì các gói nới lỏng tài khóa và nới lỏng tiền tệ, đẩy mạnh hoạt động đầu tư, bơm tiền ra để thúc đẩy tiêu dùng, sản xuất kinh doanh. Nhưng làm như vậy sẽ khó kìm chế được rủi ro lạm phát đang rất hiện hữu. Không riêng Việt Nam, các nước trên thế giới đang nhận thức rõ bóng ma lạm phát đè nặng lên nền kinh tế.
Ngoài yếu tố chi phí, ông Bảo cho rằng việc gia tăng đầu tư để tránh sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng đứt gãy, hay chi phí logistics tăng cao cũng là những yếu tố cần quan tâm trong năm nay.
Ông Nguyễn Trung Dũng, CEO DH Foods nói rằng "kỳ vọng năm nay sẽ tích cực hơn". Dù vậy, theo ông, các yếu tố ảnh hưởng tới chi phí sẽ là thách thức lớn nhất.
Trong đó, việc thiếu nguyên liệu sản xuất do các công ty cung cấp chưa hồi phục sản xuất hoàn toàn như trước dịch là bài toán cần giải quyết hàng đầu. "Nhiều doanh nghiệp cung cấp đang bị đình trệ, quy mô sản xuất giảm, không cung cấp kịp thời, nên không thiếu cái này thì cái kia. Trong khi đó, giá cả nguyên vật liệu bị tăng cao", ông Dũng cho biết.
Để hạn chế bớt "sức nóng" từ thị trường, TS Cấn Văn Lực chỉ ra bốn giải pháp cho các doanh nghiệp. Trong đó, việc tính toán đa dạng hóa thị trường, nguồn cung là yếu tố đầu tiên cần chú ý. "Việc chỉ tập trung vào một vài thị trường đã cho thấy rõ những rủi ro vừa qua", TS Lực nhận xét.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa đồng tiền thanh toán, chủ động đàm phán với các đối tác về phương án vận chuyển hàng hóa, rà soát lại hợp đồng và hồ sơ pháp lý để đảm bảo chủ động trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Ông cũng đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần vào cuộc quyết liệt hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc đa dạng hóa thị trường.
Minh Sơn - Phương Ánh