Ba tàu sân bay Mỹ hồi cuối tháng 10 cùng tham gia tập trận trên vùng biển gần Triều Tiên, trùng với thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump có chuyến công du châu Á. Đây được xem như một động thái của Washington nhằm thị uy sức mạnh trước các đối thủ, đặc biệt là Bình Nhưỡng.
Nhưng đằng sau đó, hàng loạt câu hỏi cũng xuất hiện liên quan tới việc liệu hải quân Mỹ đã sẵn sàng đối mặt với các thách thức hay chưa, trong bối cảnh các lãnh đạo quân sự cấp cao đều hiểu rõ rằng họ đang rơi vào tình cảnh thiếu thốn cả về tài chính, nhân lực lẫn khí tài, theo CNN.
Cuộc tập trận với sự góp mặt của ba tàu sân bay Mỹ với hải quân Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ là một trong khoảng 160 cuộc tập trận đa phương và song phương được thực hiện trong khu vực hoạt động của Hạm đội 7, một phát ngôn viên hải quân cho hay. Hạm đội này trung bình cứ hai ngày lại có một cuộc tập trận và cường độ vẫn chưa giảm sút.
Quá tải
Chỉ hai ngày sau khi ba nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan, USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz kết thúc cuộc tập trận 4 ngày ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, tàu USS Ronald Reagan cùng phi đội máy bay và ba tàu khu trục tên lửa dẫn đường đã khởi động một cuộc tập trận khác kéo dài 10 ngày với các đơn vị trực thuộc lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản gần Okinawa.
Các cuộc tập trận của Mỹ nhắm tới mục tiêu trấn an đồng minh châu Á và truyền thông điệp tới lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rằng Washington sẽ không run sợ trước những cuộc thử nghiệm bom hạt nhân và tên lửa mà Bình Nhưỡng tiến hành. Tuy nhiên, chúng cũng làm dấy lên những mối lo âu rằng Hạm đội 7 có thể bị quá tải.
Năm nay, hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương đã gặp phải không ít sự cố. Hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Fitzgerald và USS John S. McCain va chạm với tàu hàng, khiến 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng, hai chiến hạm phải sửa chữa, tiêu tốn hàng trăm triệu USD.
Các vụ tai nạn xảy ra ngoài khơi Nhật Bản và Singapore này khiến nhiều người không khỏi phân vân rằng vì sao hai con tàu hiện đại bậc nhất của Mỹ lại không thể vận hành chính xác trên những tuyến hàng hải đông đúc.
Tổng cộng, nhà chức trách ghi nhận Hạm đội 7 đã trải qua 5 sự cố lớn trong năm 2017, liên quan tới cả tàu và máy bay.
Một báo cáo từ chính phủ Mỹ hồi tháng 9 cảnh báo việc triển khai lâu dài các tàu chiến tại căn cứ ở Nhật Bản thường dẫn tới tình trạng các chương trình huấn luyện quan trọng bị bỏ qua do có quá nhiều sứ mệnh cần thực hiện. Báo cáo gọi đây là một "vấn đề".
Khi không có thời gian huấn luyện, "các kỹ năng sẽ bị bào mòn", ông Carl Schuster, giáo sư thuộc Đại học Hawaii Thái Bình Dương, người có 10 năm kinh nghiệm điều khiển chiến hạm Mỹ, cho biết.
"Chỉ huy quân đội giống như điều hành một đội bóng, bạn phải luyện tập thường xuyên", ông Schuster nói thêm.
Trả lời trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ trong cuộc điều tra về hàng loạt vụ va chạm trên biển của hải quân, Phó tham mưu trưởng hai quân Mỹ William Moran cho rằng họ đang bị quá tải, phải đảm nhận lượng công việc lớn nhưng với nguồn lực ít ỏi.
"Chúng tôi tiếp tục gặp phải vấn đề cung không đủ cầu. Nó tạo ra gánh nặng không nhỏ cho hải quân", đô đốc Moran cho hay. "Chúng tôi không đủ lớn để hoàn thành tất cả các nhiệm vụ".
Tại một phiên điều trần trước quốc hội hồi tháng 9, ông John Pendleton, giám đốc bộ phận quản lý và năng lực quốc phòng trực thuộc Cơ quan Thẩm định Trách nhiệm của Chính phủ Mỹ (GAO), nhấn mạnh hải quân đang hoạt động theo phương thức "huấn luyện cận biên", nghĩa là họ không có thời gian luyện tập thích hợp nhưng vẫn phải đáp ứng nhiệm vụ bất cứ lúc nào.
Một hạm đội mệt mỏi có thể đưa ra những quyết định tồi tệ. Như ông Schuster chỉ ra, trong vụ va chạm giữa khu trục hạm Fitzgerald Mỹ với tàu hàng Philippines hồi tháng 7, các sĩ quan trực ban đã không đánh thức thuyền trưởng khi tàu chuẩn bị đâm va. "Họ hoàn toàn tự mãn hoặc cẩu thả", Schuster nói.
Các cuộc khảo sát được thực hiện đối với những thủy thủ trên tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Shiloh từ tháng 6/2015 đến tháng 8/2017 còn hé lộ vô số vấn đề liên quan tới tinh thần thành viên hạm đội.
Một thủy thủ miêu tả làm việc trên tàu giống như đang sống trong một "nhà tù nổi", theo kết quả khảo sát từ Navy Times. Các thủy thủ khác thì phàn nàn rằng họ cảm thấy tuyệt vọng, thậm chí có ý muốn tự sát. Một số thủy thủ trẻ còn lo sợ bị chỉ huy tàu USS Shiloh, thuyền trưởng Adam M. Aycoc, trừng phạt, chẳng hạn như bị tống vào buồng biệt giam và chỉ được cho ăn "bánh mỳ với nước".
Áp lực gia tăng
Các chỉ huy cấp cao thừa nhận hải quân có thể đang đề ra quá nhiều yêu cầu đối với các thủy thủ, hạm đội và phi đội.
Điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện hồi đầu tháng, phó đô đốc Mike Shoemaker, Tư lệnh lực lượng không quân thuộc hải quân Mỹ, mô tả chi tiết quá trình phức tạp và lâu dài mà hải quân ngày nay phải trải qua khi muốn điều một nhóm tác chiến tàu sân bay đầy đủ ra biển.
"Để chuẩn bị cho tàu Carl Vinson, Nimitz và Theodore Roosevelt sẵn sàng triển khai vào tháng một, tháng 6 và tháng 10 vừa qua cũng như trang bị cho phi đội trên tàu những máy bay đủ năng lực thực thi nhiệm vụ, 94 chiến đấu cơ đã được luân chuyển đến và đi khỏi các điểm bảo trì, hoặc giữa các phi đội F-18 ở cả Bờ Đông và Bờ Tây", ông Shoemaker nói.
Hồi tháng 9, ông Moran cho biết hàng trăm bộ phận đã bị tháo rời khỏi một số chiếc F/A-18 để sử dụng cho những phi cơ trên tàu sân bay, đảm bảo khả năng chiến đấu của chúng.
Một nghị sĩ quốc hội Mỹ nhận xét việc phải luân chuyển, điều động 94 chiến đấu cơ cho tàu sân bay là điều thực sự "điên rồ".
Vấn đề trên cũng tác động trực tiếp tới các thủy thủ và phi công trên tàu sân bay khi mà hải quân buộc phải lấp đầy khoảng trống về nhân sự bằng cách tạm thời tái triển khai hơn 300 thủy thủ hay gia tăng thời gian thực hiện nhiệm vụ của họ so với bình thường, ông Shoemaker cho hay.
Những hành động kiểu như vậy sẽ gây ảnh hưởng tới nhuệ khí, các sĩ quan có thể sẽ không tiếp tục theo đuổi sự nghiệp hải quân vì cảm thấy quá áp lực, khiến các vị trí bị bỏ trống, lãng phí nhiều năm đào tạo và huấn luyện.
Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, ca ngợi nỗ lực tiến hành các cuộc tập trận của ba tàu sân bay Mỹ gần bán đảo Triều Tiên song cũng chỉ ra một số điểm bất cập.
Theo ông McCain, tiến hành với cường độ dày đặc những cuộc tập trận kiểu này đồng nghĩa hải quân sẽ ngày càng bị thiếu hụt tài chính, quá tải nhiệm vụ và khó lòng đáp ứng được quy mô công việc.
Đối với Hạm đội 7, ngoài việc theo dõi chặt chẽ các động thái khiêu khích từ phía Triều Tiên, họ cũng đảm nhận nhiệm vụ tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông nhằm đối trọng với Trung Quốc, tập trận với quân đội Ấn Độ, quốc gia đang khao khát sự giúp đỡ từ Mỹ, hay giám sát những tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân Nga triển khai từ các cảng miền đông nước này tới Thái Bình Dương... Tổng cộng, khu vực đảm nhiệm của Hạm đội 7 trải rộng tới 124 triệu km2.
Từ khi được thành lập năm 1907 tới nay, quy mô Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ liên tục được mở rộng bởi ý nghĩa quan trọng chiến lược của nó, trước bối cảnh châu Á, đặc biệt là Đông Á, đang trở thành trọng tâm trong chính sách ngoại giao mà Mỹ theo đuổi.
Ngày nay, Hạm đội Thái Bình Dương là hạm đội lớn nhất thế giới, với xấp xỉ 200 tàu mặt nước và tàu ngầm, gần 1.200 máy bay cùng hơn 130.000 thủy thủ và nhân viên dân sự.
Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt mục tiêu tăng cường sức mạnh của hải quân, gia tăng số lượng tàu chiến từ 308 chiếc lên 355 chiếc. Tuy nhiên, song song với mục tiêu mở rộng lực lượng là thách thức làm sao để đảm bảo đội ngũ vận hành thông suốt. Giới quan sát cho rằng đây chắc chắn không phải một nhiệm vụ dễ dàng.
Mỹ đang xem xét một dự thảo tăng cường ngân sách cho hải quân. Nhưng theo giới chuyên gia, nó không thể ngay lập tức giải quyết vấn đề ở khâu sẵn sàng tác chiến.
Ông Randy Forbes, cựu nghị sĩ hạ viện Mỹ, cho rằng để các nhóm tác chiến tàu sân bay có thể phản ứng kịp thời trước những xung đột đang gia tăng, Mỹ phải "xây dựng lại lực lượng hải quân".
"Giải pháp hiện nay sẽ không phát huy tác dụng", ông Forbes nói. "Hải quân cần được xây dựng lại toàn bộ nếu muốn đáp ứng được với các thách thức trên toàn cầu".
Vũ Hoàng