Về xứ Quảng, khắp các ngõ quê, bạn đều bắt gặp những cây mít tỏa bóng che mát. Mùa mít chín, nơi đâu cũng rực một mùi thơm. Dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ, mít có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon, không giống với bất cứ nơi nào, trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc trưng riêng.
Để làm mít khô, người chế biến lựa chọn những trái già, lấy một đoạn tre vót nhọn đầu đóng vào gần cuống để mấy ngày sau cho chín. Sau khi làm sạch nhựa, tách múi khỏi hạt, họ đem mít phơi dưới nắng 3 ngày cho khô lại.
Mít khô ngon phụ thuộc vào người chế biến. Trước hết phải biết lựa chọn mít chín đúng độ để hái, không quá chín và cũng không quá non, đảm bảo được màu sắc. Nếu không đủ nắng, mít phải được hong trên lửa, khi ăn cảm nhận được vị bùi, ngọt.
Chất lượng gạo nấu cũng quyết định độ ngon của nồi cơm ghế mít. Gạo ngon được vo sạch rồi đổ vừa nước cho lên bếp đun, khi gần sôi bỏ những múi mít khô đã rửa qua nước vào nồi rồi trộn cơm lên cho đều. Lúc nước sôi thì hạ bớt lửa, để nhỏ.
Cơm chín, mùi mít thơm lừng quyện với vị ngọt gạo quê, thưởng thức cùng với mắm cá cơm, ăn hoài không chán. Ngày nay không còn nhiều nhà nấu cơm ghế mít nữa nhưng món ăn này vẫn còn lưu luyến trong tâm trí những người dân xứ Quảng. Một số gia đình vẫn làm cơm ghế mít để đãi khách, coi như một món ăn dân dã thấm đượm tình quê hương.
Anh Phương