Bản thân tôi là người sinh ra và lớn lên trong nước, không phải là Việt kiều hay có cơ hội đi nước ngoài thường xuyên. Vấn đề mà tôi muốn đề cập sau đây có lẽ không cần những điều kiện ấy để có thể kiểm nghiệm hay cảm nhận.
Ngày nay, xe gắn máy là phương tiện di chuyển chủ yếu và quan trọng bậc nhất của dân Việt ta, tuy vậy không phải ai cũng có được một cách cư xử hợp lí khi điều khiển xe gắn máy và tham gia giao thông.
Ồn ào và mất trật tự là điều đầu tiên mà chúng ta có thể nghĩ đến nếu được hỏi về tình hình giao thông ở Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng. Thôn quê thì loạn xạ theo kiểu thôn quê, thành thị thì hỗn loạn theo kiểu thành thị.
Vấn đề giao thông và điều khiển xe máy ở các vùng quê và ngoại thành từ lâu ai cũng biết nhưng cũng mắt nhắm, mắt mở cho qua kiểu như “ở quê mà”.
Khi một người chạy từ đường nhỏ ra lộ chính hay quốc lộ thì rất ít khi biết giảm tốc độ và ý thức được bản thân không nằm trong diện ưu tiên. Nếu không thì chuyển hướng một cách đột ngột mà không có tín hiệu đèn hoặc rất nhiều thanh thiếu niên điều khiển xe máy với tốc độ cao ở nơi đông người như một cách khẳng định bản thân.
Thành thị thì có khá hơn chăng? Xin thưa là không. Ngoài những vấn đề nêu trên thì nhiều người điều khiển xe máy ở thành thị còn hung hăng quá mức cần thiết, ý thức tham gia giao thông của đại bộ phận rất kém.
Xin đưa ra một vài ví dụ, nếu ở thành phố mà bạn vô tình va quẹt trên đường, bất kể đúng sai người ta cũng sẽ sửng cồ ngay vì nếu không họ lo sợ bạn sẽ làm như vậy và rất có thể họ phải đền bù nếu trong trường hợp va chạm tương đối nghiêm trọng.
Nói lý lẽ đã là lạc hậu lắm rồi, va chạm à, người nào côn đồ, mồm mép sẽ là người đúng. Ý thức kém vì sao? Vì rất ít khi bạn sẽ nhận được một câu xin lỗi hay ít nhất là cái gật đầu nhẹ. Nhiều người cho rằng điều đó là không cần thiết vì nhiều lúc bản thân họ cũng gặp trường hợp như thế và người có lỗi cũng chả buồn quan tâm.
Chính việc tư duy như thế chẳng những không giúp ích cho sự tiến bộ mà còn làm trì trệ cả một nền văn hóa. Và vì trên nhà trường và gia đình có mấy ai quan tâm mà giáo dục con cái về quy tắc tham gia giao thông.
Phụ huynh sợ trễ giờ làm, vô tư leo lề, vượt đèn đỏ. Họ chỉ dừng lại ở việc quan tâm đến bản thân mình và con em họ chứ họ không nghĩ xa hơn cho mọi sự rủi ro đều có thể xảy ra. Để rồi khi sự cố xảy ra thì do “nhiều nguyên nhân”.
Nếu có thể, tôi sẽ yêu cầu tất cả công dân Việt Nam trên 18 tuổi tham gia một khóa học về sử dụng còi xe khi tham gia giao thông.
Theo như những gì đã học khi thi bằng lái thì xe cứu hỏa là ưu tiên bậc một, sau đến xe biển số đỏ, cứu thương hoặc khắc phục thiên tai, có cảnh sát dẫn đường, cuối là xe tang. Tôi chẳng thấy xe dân dụng đâu, mà từ xe taxi, xế hộp sang trọng đến những chiếc hai bánh thi nhau bóp còi inh ỏi để được đi trước mỗi khi tắc đường hoặc bản thân mình có việc gấp.
Nếu đã là tắc đường, kẹt xe thì làm sao người ta nhường được vì cơ bản chẳng có chỗ nào để tránh, để nhường. Lý luận đơn giản ấy có mấy ai hiểu. Bản thân mình gấp thì yêu cầu người khác ưu tiên, thế thì công bằng nằm ở đâu?
Cuối cùng cũng quan trọng không kém là việc sử dụng đèn pha khi tham gia giao thông. Chắc không nhiều người biết rằng mình lúc nào cũng để chế độ đèn chiếu xa khi ra đường. Cho dù có biết thì với tầm ý thức chỉ cao vừa qua khỏi yên xe chắc cũng chẳng mấy khi biết rằng hành vi như thế rất nguy hiềm, thậm chí có thể gây ra tại nạn giao thông cho người khác và chính cả bản thân mình.
Người Việt chúng ta hãy còn học hỏi nhiều từ các nước tiến bộ để hoàn thiện một hệ thống quy tắc ứng xử cơ bản trong mọi khía cạnh của đời sống và trước nhất là trong tham gia giao thông để hình ảnh con người và đất nước chúng ta có được một vị thế cao hơn trong mắt người ngoài.
>> Xem thêm: Làm gì để nhiều người Việt có ôtô?
Chia sẻ bài viết của bạn về giao thông tại đây.