Khi một nước phát triển, luôn luôn có sự bất đối xứng nảy sinh giữa cung và cầu, và chính sự bất đối xứng này mới thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Ví dụ, khi có nhu cầu mua cá da trơn tăng thì ngành công nghiệp chăn nuôi cá cũng tăng theo.
Ôtô cũng thế, không có nước nào khi phát triển công nghiệp ôtô mà không bị tắc đường, khi tắc đường thì Quốc hội phải chi thêm tiền để làm đường.
Tiền làm đường thu được từ việc thu lợi do việc sản xuất xe. Càng sản xuất nhiều xe thì tiền thu được càng nhiều và việc làm đường càng tăng tốc độ. Đường sá mở mang, giao thông thuận lợi thì thương mại phát triển. Thương mại phát triển thì người dân càng cần nhiều xe hơn.
Đó là một vòng quay càng lúc càng nhanh, ôtô phát triển thúc đẩy đường sá phát triển theo với kết quả là toàn bộ nền kinh tế quốc dân lớn mạnh liên tục. "Lấy mỡ nó rán nó" là chiến lược mà người làm kinh tế sơ đẳng nào cũng biết.
Khi đi rừng bắt được một con thú, người hoang dã xé xác ăn sống ngay. Người văn minh thì có cách khác, họ lột da con thú, căng bốn góc thành một cái nồi dã chiến rồi tha hồ đun nấu trong cái nồi tự chế đó.
Ngoài ra, người ta còn dùng mỡ của chính con vật để rán nó, xào nó (bạn hãy thử làm thí nghiệm đun nước trong cái ly giấy pha cà phê xem, ngon tuyệt, không cháy chút nào).
Công nghiệp sản xuất xe hơi là nền công nghiệp cao cấp. Nó thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp nặng và toàn diện các nền công nghiệp khác. Để sản xuất xe hơi, người ta cần rất nhiều ngành công nghiệp phụ trợ. Để sản xuất khung sườn phải dùng loại thép cực tốt, vừa nhẹ vừa có độ bền, cứng, chịu va đập.
Một số xe sử dụng công nghệ chế phi thuyền vũ trụ để chế tạo khung sườn. Vậy mà sắt thép Việt Nam sản xuất chỉ để xây dựng nhà, còn lâu mới đạt chuẩn chế tạo ôtô, dù chỉ là khung sườn.
Một chiếc xe cần lượng kim loại từ một đến hàng chục tấn, do đó trong ngành luyện kim ở các nước như Thái Lan chẳng hạn (sản xuất 2,5 triệu xe/năm cần hàng chục triệu tấn thép), sắt thép còn dùng để chế tạo động cơ. Các loại thép này đòi hỏi những công nghệ cực cao thuộc về bí mật của từng công ty.
Những công nghệ này rất đặc thù và còn là bí mật quốc gia khi tham gia chế tạo các xe quân sự. Những công nghệ chế tạo các loại xe có khả năng chạy được cực nhanh, lội nước, chống va đập, leo trèo có khả năng chịu đựng mọi thời tiết… hoàn toàn được giữ kín, không dễ gì kẻ khác học được.
Xe còn cần cao su làm săm, lốp và các chi tiết trong máy, giúp ngành cao su tiêu thụ hàng trăm nghìn tấn cho mỗi triệu chiếc ôtô. Xe hiện đại luôn là một tổ hợp đủ thứ công nghệ cao.
Ví dụ, số chiều dài dây điện trên mỗi xe có tổng cộng hàng chục km. Rồi các mạch điện tử tích hợp, các bộ xử lý trung tâm, hệ chống trộm, cân bằng điện tử, trợ lực lái, trợ lực thắng , các mạch rađa dò tìm chướng ngại vật, hệ thống chống ngủ gật, GPS định vị, camera quan sát, camera lùi...
Ngoài ra còn có bình ắc quy sơn công nghệ nanô bảo vệ xe, túi khí, dây đai, đèn, còi, bọc da, nhựa... Tính ra mỗi chiếc xe có từ chục nghìn đến hàng trăm nghìn chi tiết, và mỗi chi tiết thúc đẩy một ngành công nghiệp nào đấy phát triển.
Mỗi chiếc xe hơi như một cái nhà và thực tế có rất nhiều người ở nước ngoài sử dụng xe làm nhà ở suốt đời khi trang bị nhà vệ sinh nhà bếp, phòng khách trên đó.
Người ta tính ra mỗi một triệu chiếc xe sản xuất sẽ đem lại công ăn việc làm cho khoảng 500 nghìn người. Đó là tính trực tiếp, chứ nếu tính cả gián tiếp nữa thì lên đến hơn cả triệu người.
Đối với một nước như Thái Lan, với sản lượng mỗi năm là 2,5 triệu xe, nếu mỗi chiếc thu về hai nghìn USD thì họ thu lợi mỗi năm 6 hoặc 7 tỉ USD và đem lại công ăn việc làm cho hàng triệu người. Nếu tính thêm những ích lợi khác nữa do ôtô đem lại như phát triển kinh tế, giao thông, thương mại, du lịch, xã hội… thì tổng lợi tức phải trên chục tỉ USD.
Đấy là chỉ nói về kinh tế thôi, còn về quốc phòng thì một nước có nền công nghiệp cao luôn có khả năng phòng vệ tốt nhất. Đơn cử như Nhật, họ chỉ sản xuất xe hơi, máy bay, tàu thủy dân sự là chủ yếu, nhưng khi cần họ có thề chuyển sang sản xuất xe tăng, chiến đấu cơ, tàu chiến ngay.
Với công nghệ linh hoạt ngày nay, chỉ trong vài ngày hay vài giờ là có thể chuyển dây chuyền sản xuất từ một mẫu xe này sang mẫu khác, nhờ sự mô phỏng do máy tính thiết lập.
Không một quốc gia nào khi phát triển mà không gặp phải vấn đề nan giải, ví dụ kẹt xe khi đường sá kém phát triển chưa tương ứng hay gặp sự cố nào đó. Trung Quốc cũng bị kẹt xe thường xuyên nhưng họ không dại dột đến nỗi hạn chế nền công nghệ xe hơi của mình và họ bây giờ là cường quốc xe hơi với sản lượng 22 triệu chiếc, gấp đôi Mỹ, Nhật, gấp 13 lần Nga, gấp mấy trăm lần Việt Nam.
Đại đa số người dân xem xe hơi là phương tiện di chuyển cần thiết thôi, không phải là tài sản hay để khoe mẽ, chỉ trừ một số ít nhà giàu mới nổi muốn chơi trội. Trái lại, ở một số nước, xe hơi được xem là biểu thị cho quyền lực, cho đẳng cấp, nên người dân bình thường rất khó có điều kiện mua xe.
Ở Việt Nam nếu lấy lý do kẹt xe ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM để ngăn cản việc phát triển xe hơi toàn quốc, thì chỉ thuyết phục được một số người cả tin thôi.
Sáu mươi mấy tỉnh thành khác đều thiếu phương tiện vận chuyển đến nỗi phải dùng xe tự chế (công nông, cải tiến, xe lôi thùng, ba gác….) để thỏa mãn nhu cầu, chỉ vì giá ôtô tải quá cao. Các xe này rất thiếu an toàn, gây tai nạn, mất mỹ quan, cản trở lưu thông.
Việc thu thuế hay phí của Việt Nam mỗi năm đem về chỉ khoảng vài triệu USD, rõ ràng thua xa với hàng chục tỉ USD của Thái. Thế thì kềm hãm công nghiêp xe hơi rõ ràng có hại nhưng tại sao người ta tìm cách hạn chế nó?
Muốn phát triển công nghiệp ôtô mà không muốn cho người dân mua xe là một chuyện không tưởng, chẳng khác nào chân này đạp ga, chân kia lại đạp thắng như một ai đó đã nói: "Xe Việt Nam chất lượng kém lại có giá trên mây không bán cho dân Việt Nam thì bán cho ai?".
Giấc mơ có xe hơi không phải là gì xấu, nó là một xu hướng tất nhiên của xã hội. Đối với người phải xê dịch nhiều, chiếc ôtô là một phương tiện đi lại an toàn, tránh mưa gió, tai nạn.
Đối với người có vợ con, chiếc ôtô là phương tiện cho cả nhà cùng vui picnic cuối tuần ở đâu đó sau những ngày mệt mỏi với công việc. Đối với người già cả, bệnh tật, chiếc xe hơi là phương tiện di chuyển cũng như cấp cứu cho bản thân họ.
Đối với người buôn bán, chiếc xe hơi là vật dụng giao, chuyển hàng hóa nhanh chóng và hữu hiệu nhất. Đối với người nông dân, chiếc xe là phương tiện trao đổi nông sản và thu mua hàng hóa khỏi qua trung gian vốn hay chậm trễ và dễ bị bắt chẹt.
Phải đâu xe hơi chỉ là tài sản để khoe mẽ, để chứng tỏ đẳng cấp bằng siêu xe, hàng hiệu? Phải đâu xe hơi chỉ dùng để biểu hiện cho sự giàu có, sang trọng của một tầng lớp giai cấp nào đó chứ không phải chỉ là một phương tiện di chuyển thông thường? Phải chăng chỉ người giàu mới có quyền mơ, còn thường dân nên quay về với con trâu và cái cày muôn thuở?
Giấc mơ đó, người dân Việt Nam vẫn còn mơ mãi đến bao giờ?
>> Xem thêm: 'Ôtô Việt nếu rẻ bằng SH thì ra đường chỉ mở máy lạnh đọc báo'
Chia sẻ bài viết của bạn về việc mua xe tại đây.