Tôi thấy nhiều người có quan niệm rất sai lầm rằng "chỉ Việt Nam mới coi trọng bằng cấp, ở nước ngoài người ta chỉ coi trọng năng lực chứ không yêu cầu bằng cấp như ở ta".
Tôi xin khẳng định đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Thực ra ở Việt Nam vẫn còn rất thoáng với chuyện bằng cấp, đặc biệt là bằng, chứng chỉ hành nghề. Nhiều nghề ở Việt Nam mà mọi người có thể làm mà không quan tâm tới bằng cấp hay chứng chỉ hành nghề nào cả.
Tuy nhiên nếu ra nước ngoài bạn sẽ thấy, ở những nước càng phát triển họ lại càng coi trọng bằng cấp, chứng chỉ. Ví dụ như làm phục vụ nhà hàng hay thợ xây dựng ở Việt Nam thì có thể chẳng cần bằng cấp gì, nhưng ở những nước phát triển như Australia, Mỹ, các nước EU nếu không có chứng chỉ hành nghề thì rất dễ bị cảnh sát hỏi thăm.
Quay lại chuyện bằng cấp đại học, tôi nghĩ nó là một thước đo chung của các doanh nghiệp, nên nếu mình có thì là một lợi thế, còn nếu không thì phải tìm cách khác có thể là khó khăn hơn để chứng minh năng lực của bản thân.
Mà cũng sẽ khó cho nhà tuyển dụng nếu như trình độ của bạn có nhưng quy định của công ty lại quy định cứng, yêu cầu bằng cấp.
Tôi làm việc cho một tập đoàn đa quốc gia, có lần tôi tìm kiếm một công việc trong web tuyển dụng nội bộ của công ty, và khá sốc khi biết rằng vị trí đó yêu cầu "bắt buộc" phải có bằng tiến sĩ loại xuất sắc, trong khi các vị trí tuyển dụng ở Việt Nam tôi chưa bao giờ thấy một yêu cầu nào như vậy.
Thực sự khuyên các bạn trẻ nên có một bằng cấp phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân thì sẽ dễ thăng tiến hơn trong công việc, nếu không sẽ phải lựa chọn những cách khác và có thể sẽ khó khăn hơn.
Nam Việt
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.