Tháng 8-1947, Kế hoạch Mounbatten được thực hiện và vùng tiểu lục địa Ấn Độ thuộc Anh chia thành hai quốc gia độc lập là Ấn Độ (gồm chủ yếu dân số là những người theo đạo Hindu) và Pakistan (gồm đa số người dân là tín đồ Hồi giáo). Mohammed Ali Jinnah trở thành Tổng thống Pakistan còn Jawaharlal Nehru làm Thủ tướng Ấn Độ.
Sau quyết định chia tách, tất cả 565 tiểu quốc chiếm 2/5 diện tích bán đảo Ấn Độ với dân số 90 triệu người phải đứng trước sự lựa chọn là gia nhập một trong hai quốc gia mới. Hầu hết các tiểu vương đều nhanh chóng tìm được quyết định của mình, trừ tiểu vương Maharaja Hari Singh cai trị vùng Jammu và Kashmir (gọi tắt là Kashmir), vùng đất nằm kẹp giữa Pakistan và Ấn Độ.
![]() |
Tiểu vương Maharaja Hari Singh. |
Tiểu vương Maharaja Hari Singh là một tín đồ Hindu giáo nhưng đa số thần dân của ông ở Jammu và Kashmir lại là người Hồi giáo. Đây là một trong những lý do khiến ông khó có sự lựa chọn sáp nhập vào quốc gia nào. Hơn nữa, ông “vua con” này lại muốn giữ thế độc lập cho vùng đất do mình trị vì. Cuối cùng, Hari Singh đã tìm ra giải pháp trung lập và đề nghị ký hiệp ước không xâm phạm với Pakistan và Ấn Độ. Nhưng chỉ có Pakistan đồng ý đặt bút ký vào thoả thuận đó, còn Ấn Độ kiên quyết bác bỏ.
Tuy vậy, Pakistan không giữ được cam kết và sớm vi phạm hiệp ước với Hari Singh. Trước hết, Islamabad cho bao vây kinh tế tiểu quốc này và đến ngày 22/10/1947 thì ngầm hậu thuẫn cho các tay súng thuộc bộ tộc Pashtun từ tỉnh Waziristan tràn vào xâm chiếm Kashmir. Đúng lúc đó lại xuất hiện những nguồn tin về việc người Hồi giáo ở Kashmir bị đàn áp và họ mong muốn được gia nhập Pakistan. Tình trạng rối loạn khiến tiểu vương Hari Singh lâm vào thế "nội công ngoại kích” rất khốn đốn.
Trước nguy cơ những tay súng Pashtun từ Pakistan sang tiến sát thành phố thủ phủ Srinagar, tiểu vương Maharaja Hari Singh buộc phải yêu cầu sự giúp đỡ về quân sự từ phía Ấn Độ. Toàn quyền Anh tại Ấn Độ Louis Mounbatten ủng hộ yêu cầu này, nhưng ra một điều kiện là tiểu quốc Kashmir phải chấp nhận sát nhập vào Ấn Độ trước rồi mới có sự giúp đỡ.
![]() |
Xe bọc thép Diamler của Ấn Độ trong cuộc chiến tranh Kashmir lần thứ nhất 1947-1948 |
Do đó, sớm ngày 26/10/1947 tiểu vương Hari Singh rời thủ phủ Srinagar và đến Jammu ở phía nam vào sáng hôm sau. Tại đây ông gặp VP Menon, đại diện của Thủ tướng Jawaharlal Nehru, để ký kết một thoả thuận nhượng quyền quản lý Kashmir cho Ấn Độ. Theo đó, New Delhi có quyền quyết định các vấn đề đối ngoại, quốc phòng và hoạt động thông tin liên lạc ở Kashmir. Ngay sáng 27/10, binh sĩ Ấn Độ đã hành quân bằng đường không tới thủ phủ Srinagar và đập tan lực lượng người Pashtun đang tiến sát thành phố.
Sự kiện bất ngờ trên khiến Pakistan vô cùng tức giận. Lãnh đạo nước này tỏ ý nghi ngờ về thoả thuận giữa Ấn Độ và Kashmir và cho rằng, Maharaja Hari Singh bị cưỡng ép ký kết. Pakistan còn khẳng định, tiểu vương Hari Singh không có quyền ký một hiệp ước với Ấn Độ trong khi thoả thuận với Islamabad vẫn còn có hiệu lực. Ngoài ra, theo giới chức Pakistan thì Hari Singh đã ra khỏi thung lũng Kashmir nên không còn quyền cai trị đối với vương quốc của mình và không thể đại diện cho nhân dân quyết định những việc trọng đại.
Tình hình Kashmir đột ngột căng thẳng và đứng bên bờ vực một cuộc chiến tranh.
(còn tiếp)
Đình Chính (theo BBC)