Những phiên đấu giá đất ngoại thành Hà Nội trong thời gian gần đây khiến người ta không khỏi lắc đầu ngao ngán.
Giá đất bị đẩy lên ngất ngưởng, từ hàng trăm triệu đồng một mét vuông, nay có trường hợp "khách" trả giá lên đến 30 tỷ đồng một m2 ở huyện Sóc Sơn, nhưng sau đó lại xin dừng tham gia
Hậu quả là mặt bằng giá bất động sản bị đẩy lên vô lý, làm khó cho cả người dân lẫn doanh nghiệp.
Đấu giá đất vốn là công cụ để huy động nguồn lực từ đất đai, đồng thời minh bạch hóa việc sử dụng tài nguyên đất. Nhưng cách tổ chức hiện tại lại vô tình trở thành mảnh đất màu mỡ cho những chiêu trò thao túng giá của một nhóm người.
Người tham gia đấu giá không thực sự có nhu cầu sử dụng đất mà chỉ nhắm đến việc "làm giá". Đẩy giá một lô đất lên cao chót vót, họ tạo ảo giác rằng giá đất toàn khu vực đều tăng, khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ hoặc người dân phải mua với mức giá bị "thổi phồng".
Chuyện bỏ cọc sau khi đấu giá đất không còn xa lạ. Với tiền đặt cọc quá thấp (thường chỉ khoảng 5-20% giá khởi điểm), nhiều "tay chơi" chấp nhận bỏ tiền này để đẩy giá đất khu vực lên cao, rồi âm thầm kiếm lời ở các lô đất xung quanh. Kết quả, Nhà nước thu được cọc, nhưng thị trường bất động sản thì nhiễu loạn, giá cả vượt xa khả năng chi trả thực tế của người dân và doanh nghiệp.
Một số người đề xuất nâng mức tiền cọc trong các phiên đấu giá đất lên tối thiểu 50% giá khởi điểm. Điều này không chỉ ngăn chặn các hành vi "thổi giá" mà còn giúp sàng lọc những người tham gia đấu giá.
Ví dụ, nếu muốn đấu giá một lô đất khởi điểm 10 tỷ đồng, người tham gia phải đặt cọc trước 5 tỷ. Nếu vòng sau muốn nâng giá lên 20 tỷ, tiền cọc cũng phải tăng tương ứng lên 10 tỷ. Quy định này sẽ khiến những người "tay không bắt giặc" phải suy nghĩ lại, đồng thời bảo vệ sự minh bạch của thị trường.
Bên cạnh đó, đấu giá đất cũng cần được tổ chức như các sàn giao dịch chứng khoán, với cơ chế giá trần và giá sàn. Giá khởi điểm là giá sàn, trong khi giá trần có thể được xác định dựa trên các giao dịch thực tế gần đây tại khu vực.
Nếu có nhiều người đặt giá trần, việc lựa chọn người trúng đấu giá sẽ thông qua bốc thăm công khai. Mô hình sẽ giúp kiểm soát giá cả và ngăn ngừa tình trạng đầu cơ.
Đấu giá đất là cần thiết, nhưng cần được tổ chức minh bạch, hợp lý và có quy định nghiêm ngặt. Khi mặt bằng giá đất phản ánh đúng giá trị thực, người dân và doanh nghiệp mới có thể an tâm đầu tư, phát triển.
Nếu không, thị trường bất động sản sẽ mãi là sân chơi của những "tay chơi chuyên nghiệp".
*Quan điểm của bạn thế nào?
Chia sẻ bài viếtvề địa chỉ email: bandoc@vnexpress.net hoặc ấn vào box bên dưới.
Bình Minh