Hôm 14/10, đại diện Coach nói với BOF hãng sẽ cắt giảm việc sản xuất để tránh dư thừa. Thương hiệu đang nghiên cứu các giải pháp để tái sử dụng và tái chế sản phẩm không tiêu thụ được.
Thông báo của Coach được đưa ra sau khi hãng vấp phải chỉ trích của khán giả vì rạch nát những chiếc túi xách tồn đọng. Hôm 11/10, nhà hoạt động môi trường Anna Sacks đăng video tố cáo sự việc trên trang cá nhân. Cô cho biết đã thu gom được một lượng lớn ví và túi Coach bị cắt từ những người nhặt rác. "Đây là những gì Coach làm với hàng tồn. Họ ra lệnh cho nhân viên rạch nát để không một ai còn dùng được", cô nói.
Video của Anna thu hút hơn 2,5 triệu lượt xem. Nhiều khán giả bày tỏ không đồng tình với cách thức của hãng. Họ chê Coach đạo đức giả, bởi thương hiệu tuyên bố đi theo xu hướng thời trang bền vững. Trước đây, hãng thông báo: "Tất cả túi của chúng tôi được làm thủ công nhằm đạt tuổi thọ cao. Tuy vậy chúng tôi cũng biết rằng luôn có rủi ro và đôi khi những chiếc túi cần được hồi sinh. Hãy yên tâm, bởi chúng tôi có riêng một xưởng với những người thợ cực kỳ chuyên nghiệp, họ yêu túi của bạn như chính bạn vậy. Thế nên thay vì vứt bỏ túi, bạn hãy mang tới để chúng tôi sửa chữa. Như vậy chúng ta có thể cùng nhau giảm thiểu rác thải và những tác động xấu đến hành tinh này."
Nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ từng bị chỉ trích vì đốt cháy hàng hóa tồn kho hoặc trái mùa. Năm 2018, Burberry đốt lượng quần áo, phụ kiện và nước hoa trị giá 37 triệu USD. Hãng mốt Anh cho biết không muốn sản phẩm của họ bị bán rẻ hoặc đánh cắp, tuồn ra ngoài để làm nhái.
Họa Mi (theo BOF)