CO2tđ - trong tiếng Anh là CO2e - có nghĩa "tương đương với CO2", là đơn vị đo tổng lượng khí nhà kính phát thải.
CO2tđ ra đời là do các loại khí tạo ra hiệu ứng khí nhà kính không chỉ có CO2. Cùng một lượng nhưng các loại khí khác có tác động làm nóng lên toàn cầu có thể cao hơn nhiều lần CO2, đòi hỏi phải quy đổi sang "tương đương CO2" để đo lường tác động một cách chính xác.
Cách quy đổi sang CO2tđ
Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) định lượng tiềm năng nóng lên toàn cầu (GWP) của 7 loại khí nhà kính gồm: carbon dioxide (CO2), metan (CH4), oxit nitơ (N2O), perfluorocarbons (PFC), hydrofluorocarbons (HFC), nitơ triflorua (NF3) và lưu huỳnh hexafluoride (SF6).
Do CO2 phổ biến nhất, chiếm tỷ trọng khoảng 75-80% tổng lượng khí nhà kính nên được lấy làm chuẩn, đặt GWP bằng 1.
Trong khi đó, GWP của CH4 là 28, nghĩa là tác động của phát thải CH4 đến hiện tượng nóng lên toàn cầu cao hơn 28 lần so với mức đó cùng một lượng CO2. Điều này đồng nghĩa, cứ 1 tấn CH4 thải ra thì tương đương 28 tấn CO2. Có thể tham khảo công thức tóm tắt và bảng GWP bên dưới để có thể quy đổi sang CO2tđ.
Công thức: 1 tấn CO2tđ = 1 tấn khí nhà kính cần quy đổi x GWP loại khí đó
Đơn vị CO2tđ dùng khi nào?
CO2tđ được sử dụng làm đơn vị chung của khí nhà kính (GHG). Khi định lượng khí nhà kính hoặc đề cập đến lượng phát thải, người ta sẽ quy đổi các loại khí sang CO2 và dùng đơn vị CO2tđ, hàm ý rằng lượng phát thải đó không chỉ có CO2. Vì lý do tương tự, các hệ số phát thải, dấu chân carbon cũng dùng đơn vị CO2tđ.
Một ứng dụng khác của CO2tđ là trong thị trường carbon. Ví dụ, một tín chỉ carbon tương đương với một tấn CO2tđ. Vì cũng đề cập đến khí nhà kính, hạn ngạch phát thải cũng dùng đơn vị là CO2tđ.