Các đám cháy dữ dội trên đảo Maui, Hawaii, đã tàn phá thị trấn du lịch Lahaina, làm hư hại hàng nghìn công trình và giết chết ít nhất 110 người tính đến nay. Các nhà nghiên cứu vẫn đang phân tích nguyên nhân đám cháy, trong đó có một yếu tố khiến ngọn lửa trở nên chết chóc hơn: cỏ xâm lấn, Smithsonian hôm 16/8 đưa tin.
Trong gần 200 năm, nền kinh tế Hawaii phụ thuộc nhiều vào trồng mía và dứa. Nhưng đến những năm 1990, diện tích trồng bắt đầu giảm khi bang này chuyển đổi sang lấy du lịch làm chủ đạo, theo New York Times. Nhiều vùng canh tác rộng lớn bị bỏ hoang. Năm 2016, trang trại mía cuối cùng của Hawaii đóng cửa.
Không có nông dân chăm sóc đất, các loại cỏ không phải bản địa như cỏ guinea, cỏ mật và cỏ buffel lan rộng. Những loài này bắt nguồn từ châu Phi và được các chủ trang trại châu Âu đưa đến Hawaii cuối thế kỷ 18 vì muốn có nguồn thức ăn ổn định và chịu hạn cho gia súc. Ngày nay, chúng hiện diện trên gần 1/4 diện tích đất Hawaii. Sống khỏe, tham lam và cơ hội, chúng phát triển tràn lan tại những nơi từng là trang trại mía và dứa, lấn chiếm cả lề đường lẫn các khu nhà ở đô thị.
"Những loài xâm lấn dễ cháy này sẽ lấp đầy bất kỳ khoảng trống nào ở mọi nơi - ven đường, giữa các cộng đồng, giữa nhà của mọi người, khắp nơi", Elizabeth Pickett, đồng giám đốc điều hành tại Tổ chức Quản lý Cháy rừng Hawaii, cho biết.
Cỏ xâm lấn lan rộng vào mùa mưa và khô héo khi hạn hán. Vào thời điểm như mùa hè này, trạng thái khô khiến chúng rất dễ cháy. Sau khi lửa quét qua, nhiều loài đã thích nghi để phục hồi nhanh chóng, trở thành những loài đầu tiên sinh sôi trở lại trên vùng đất bị thiêu đốt, lấn át thực vật bản địa. Chu kỳ "cỏ - cháy" này khiến loại cỏ xâm lấn phát triển dồi dào hơn sau hỏa hoạn, làm cho các vùng đất sau đó càng dễ cháy hơn.
Giới khoa học từ lâu đã biết về khả năng cháy của các loài xâm lấn. Năm 2018, lửa bùng phát ở Tây Maui và phá hủy 21 ngôi nhà, một phần do chúng. Các nhà nghiên cứu ước tính 85% diện tích bị thiêu rụi năm 2018 là vùng đất của những cây không phải bản địa. Sau thảm họa, một trong những chuyên gia cứu hỏa nổi tiếng nhất tại Maui, nhà sinh thái học thực vật Clay Trauernicht tại Đại học Hawaii, cảnh báo số cỏ này có thể châm ngòi cho những sự cố trong tương lai. Năm 2021, một báo cáo của chính quyền Maui cũng cảnh báo về tình trạng cây bụi mọc tràn lan và kêu gọi kiểm soát chúng.
Thu Thảo (Theo Smithsonian)