Khán giả Triều Tiên đang theo dõi trận đấu giữa hai câu lạc bộ Bình Nhưỡng và Ri Myong Su. Ảnh: wodumedia |
Phóng viên của BBC Tim Hartley có dịp đến sân vận động 50.000 chỗ ngồi Kim Nhật Thành để theo dõi một trận đấu bóng đá.
Vé của trận đấu được bán sạch sành sanh, nhưng ở bên ngoài sân, anh không thấy bóng dáng một ai, không có những dãy người xếp hàng dài hay những quầy bán đồ ăn vặt.
Tuy nhiên, bên trong sân là một khung cảnh hoàn toàn khác. Tất cả các chỗ ngồi đều được phủ kín. Hàng hàng lớp lớp những người đàn ông ngồi lặng lẽ, mặc những chiếc áo tối màu giống hệt nhau, đeo cà vạt đỏ và một loại huy hiệu nhỏ ở bên ngực trái của họ. Tuy nhiên, đó không phải là huy hiệu in logo của Bình Nhưỡng FC mà là hình của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành.
Sân cỏ nhân tạo trông rất đẹp dưới ánh nắng mùa xuân. 9h30 trận đấu khai màn. Không một tiếng reo hò, không một lá cờ hay khăn quàng cổ động ở các hàng ghế khán giả, chỉ có những tiếng xì xầm khe khẽ phát ra từ những hàng ghế tối.
Trong số các khán giả có nhiều người là binh sĩ mặc quân phục xanh và đội mũ rộng vành. Một số người lặng lẽ ngồi đọc báo, không ai tỏ ra hứng thú với trận cầu, cứ như thể họ bị yêu cầu đến đây.
Đối thủ của Bình Nhưỡng FC, Amrokgang, có phần nhỉnh hơn trong hiệp một nhưng đây vẫn là một trận đấu ngang sức ngang tài. Bình Nhưỡng FC sau đó vươn lên và chiến thắng trong một quả penalty, nhưng cũng không có phản ứng nào từ đám đông.
Nhóm bạn đi du lịch của Hartley quyết định tạo không khí một chút bằng cách hô "1-0 cho trọng tài! 1-0 cho trọng tài!". Khoảng hơn chục người phương Tây ngồi cùng Hartley ở khu vực VIP, với giá 40 USD một ghế, nhìn họ cười.
Một số người nhập hội và hét to hơn: "Bình Nhưỡng ooh, ooh!Bình Nhưỡng ooh, ooh!". Những người Triều Tiên liền quay sang nhìn họ chằm chằm nhưng vẫn không nói gì.
Nhóm của Hartley bị giám sát rất kỹ tại sân. Hai người hướng dẫn viên một người ngồi trước, một người ngồi sau và hầu như không cất tiếng.
Một trận đấu diễn ra tại sân vận động Kim Nhật Thành giữa đội tuyển Triều Tiên và đội tuyển Nhật Bản năm 2011. Ảnh: Asahi Shimbun |
Đội tuyển quốc gia Triều Tiên sử dụng tên chính thức của nước này. Khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong lịch sử chơi bóng của họ là vào World Cup năm 1966, khi họ đánh bại đội Italy với tỷ số 1-0 để lọt vào tứ kết. Họ cũng từng lọt vào vòng chung kết năm 2010.
Tại kỳ World Cup gần nhất ở Nam Phi, huấn luyện viên Triều Tiên Kim Jong-Hun, nói với giới truyền thông rằng ông "thường xuyên được nhà lãnh đạo Kim Jong-il hướng dẫn về chiến thuật trong các trận đấu bằng loại điện thoại di động mà mắt thường không nhìn thấy được và do chính bản thân nhà lãnh đạo tối cao phát triển".
Tuy nhiên, đội tuyển Triều Tiên hiện đang trong giai đoạn khó khăn và cũng không lọt vào World Cup năm tới ở Brazil. Trận đấu gần nhất của đội tuyển là trận giao hữu với Cuba, kết thúc bằng kết quả hòa không bàn thắng.
Trở lại với trận đấu trên sân Kim Nhật Thành, một tiền đạo của Bình Nhưỡng FC bị đốn ngã trong vòng cấm địa và Amrokgang phải chịu thêm một quả phạt đền nữa.
Bàn thắng thứ hai vẫn chẳng thu hút được phản ứng nào từ các khán giả. Đám đông tiếp tục im lặng. Không có cảnh huấn luyện viên lao ra đường biên chúc mừng các cầu thủ, cũng không có màn các cầu thủ đập tay hay vỗ lưng nhau ăn mừng.
Vào giờ giải lao giữa hai hiệp, hai ban nhạc chơi kèn đồng xuất hiện phía sau hai khung thành và chơi nhiều bản nhạc khác nhau nhưng dường như không ai quan tâm.
Vào phút bù giờ của hiệp hai, Bình Nhưỡng FC lấn lướt đối thủ. Cuối cùng, đám đông cũng như bừng tỉnh, dù chỉ đôi chút, khi Bình Nhưỡng ghi thêm một bàn thắng khác. Đó là cú sút cuối cùng, khép lại trận đấu kỳ lạ nhất mà Hartley từng được xem vào phút thứ 94.
Hartley những tưởng các cổ động viên sẽ rời sân trong niềm hân hoan chiến thắng, nhưng không, trên gương mặt của các binh sĩ không một chút biểu hiện cảm xúc.
Anh Ngọc (theo BBC)