"Chiến thuật của Nga rất rõ ràng. Họ triển khai lượng lớn máy bay không người lái (UAV) để gây quá tải hệ thống phòng không, kết hợp với tên lửa đạn đạo để tấn công cơ sở hạ tầng", Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nói trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm 28/7.
Ông Podolyak cho rằng chiến thuật này của Nga kém hiệu quả ở thủ đô Kiev, do quân đội Ukraine đã xây dựng lưới phòng không đa tầng dựa trên những hệ thống do phương Tây viện trợ. Tuy nhiên, quan chức Ukraine thừa nhận các đòn không kích của Nga đã gây hỗn loạn ở miền nam đất nước, trong đó có tỉnh Odessa, do mạng lưới phòng thủ tại khu vực này mỏng hơn nhiều.
"Chúng tôi không có đủ các hệ thống phòng không hiện đại như Patriot, chỉ chúng mới chặn được tên lửa đời mới của Nga như Kinzhal và Oniks. Sự thiếu hụt những tổ hợp Patriot khiến chúng tôi không thể bảo vệ toàn bộ không phận", cố vấn Tổng thống Ukraine nói.

Bệ phóng tên lửa Patriot Đức triển khai ở Slovakia năm 2022. Ảnh: BQP Đức
Podolyak nói rằng Ukraine cần 10-12 tổ hợp Patriot hoặc tương tự để bao phủ toàn bộ không phận, nhấn mạnh rằng những đợt tấn công vào Odessa gần đây cho thấy viện trợ thêm tên lửa phòng không là quyết định đúng đắn cả về kinh tế và đạo đức. "Chi phí khắc phục hậu quả sẽ cao hơn nhiều so với cung cấp thêm tên lửa Patriot để chúng tôi phòng thủ phía nam", ông nói.
Ukraine đang biên chế hai hệ thống Patriot do Mỹ, Đức và Hà Lan chuyển giao để bảo vệ các mục tiêu trọng yếu ở Kiev. Một tổ hợp đã bị hư hại trong đòn tập kích bằng tên lửa của Nga rạng sáng 16/5, nhưng Ukraine tuyên bố nó vẫn đảm bảo khả năng chiến đấu.
Tổng thống Zelensky hôm 12/7 gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz, sau đó cho biết Berlin đồng ý cung cấp thêm hệ thống phòng không Patriot cho Kiev. Số lượng bệ phóng và tên lửa cụ thể, cũng như thời gian chuyển giao chưa được công bố.
Patriot được kỳ vọng là vũ khí có thể thay đổi đáng kể cục diện trên bầu trời Ukraine, nhờ năng lực chiến đấu vượt trội so với các hệ thống phòng không mà Washington từng chuyển cho Kiev. Dù vậy, giới chuyên gia cảnh báo Patriot không thể giải quyết được mọi vấn đề phòng không của Ukraine.
Một trong những rào cản với hệ thống Patriot triển khai ở Ukraine là chi phí vận hành. Báo cáo hồi năm ngoái của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho biết mỗi khẩu đội Patriot có giá khoảng 1,1 tỷ USD, trong đó một quả đạn tên lửa có chi phí xuất xưởng khoảng 4-8 triệu USD tùy phiên bản.
Nga gần đây tăng cường dùng tên lửa và UAV tập kích các mục tiêu Ukraine. Giới chuyên gia phương Tây nhận định đây là nỗ lực của Nga nhằm vô hiệu hóa các tổ hợp phòng không Ukraine, đặc biệt là hệ thống Patriot, cũng như nhằm làm cạn kiệt đạn phòng không của đối phương khi buộc họ liên tục khai hỏa tên lửa đắt tiền để đối phó với mục tiêu giá rẻ.
Trung tướng Mark Hertling, cựu chỉ huy lục quân Mỹ tại châu Âu, nhận định giá thành đắt đỏ của đạn đánh chặn khiến Ukraine không thể sử dụng Patriot để đối phó với mọi đòn tập kích của Nga.
Vũ Anh (Theo Guardian)