Theo một cán bộ của Thanh tra Nhà nước, cuộc khảo sát này tập trung tại một số tỉnh, thành phố trung ương có nhiều doanh nghiệp (DN). 49 DN trung ương và địa phương được khảo sát gồm các tổng công ty, công ty ở các ngành nghề khác nhau, từ đơn vị làm ăn tốt đến thua lỗ, thậm chí có khả năng bị giải thể. Kết quả như sau:
Số DN được khảo sát: 49.Số cuộc TTKT: 167.
Số đoàn TTKT có quyết định: 100/167, chiếm 59,8%.
Số đoàn TTKT có giấy giới thiệu hoặc thông báo: 55/167, chiếm 32,9%.
Số đoàn TTKT không có giấy tờ gì: 12/167 cuộc, chiếm 7,2%.
Số đoàn TTKT không có kết luận: 17/167, chiếm 10,1%.
Nổi cộm nhất vẫn là trùng lặp nội dung thanh tra
Hầu hết các cuộc TTKT là nhằm vào tình hình kinh tế, tài chính DN và chủ yếu thuộc các đoàn thanh tra của cơ quan thuế, quản lý vốn, tài chính hay giữa các đoàn này với kiểm sát, kiểm toán, thanh tra. Theo báo cáo của Đoàn khảo sát miền Trung, 12/29 cuộc TTKT là về thuế và tài chính. Ở miền Nam, 41/85 cuộc TTKT liên quan đến các vấn đề này. Tỷ lệ này một phần do các đoàn TTKT chưa phối hợp chặt chẽ; nhiều đoàn có sự trùng lắp về nội dung song lại không kết hợp với nhau để tổ chức kiểm tra liên ngành.
Một vấn đề nổi cộm khác là đoàn sau không sử dụng kết quả TTKT của đoàn trước. Theo pháp luật hiện hành, có rất nhiều cơ quan được quyền TTKT DN: Thanh tra, kiểm sát, công an, kiểm toán, hải quan, thuế, quản lý vốn, quản lý thị trường... từ trung ương đến địa phương; rồi HĐND, liên đoàn lao động, bảo hiểm...; hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ cấp trên cấp dưới của DN. Vì vậy DN, nhất là DN ngoài quốc doanh phải chịu nhiều áp lực của các cơ quan, tổ chức. Điều gây vất vả cho cả DN và cơ quan thanh tra là các đoàn TTKT cùng nội dung nhưng không sử dụng kết quả của nhau, dù đoàn trước, đoàn sau chỉ cách nhau mấy ngày. Thậm chí cùng một vấn đề, song giữa các đoàn TTKT có đánh giá, kết luận khác nhau. Trường hợp Công ty Thiết bị phụ tùng Hải Phòng là một ví dụ. Tháng 2/2000 Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Hải Phòng vừa kiểm tra hoạt động kinh doanh của công ty thì tháng 7/2000, VKSND quận Ngô Quyền lại tiến hành kiểm sát với cùng nội dung trên. Mặc dù Công ty đã có văn bản giải trình, nhưng VKS vẫn không chấp nhận.
Cùng là công an nhưng có quá nhiều lực lượng có quyền kiểm tra: an ninh kinh tế, cảnh sát kinh tế, cảnh sát điều tra, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cảnh sát khu vực. DN Lê Kháng ở Cần Thơ cho biết, trong năm 2000, DN này có 10 đoàn TTKT, trong đó có tới 5 đoàn của lực lượng công an; hay như Công ty Bao bì miền Tây có 4/8 đoàn là công an. Tệ hơn, các cuộc TTKT của lực lượng công an hầu như không có quyết định, chủ yếu dùng giấy giới thiệu hoặc thẻ nghề nghiệp; và số cuộc TTKT không có giấy tờ gì (12/167) lại rơi vào lực lượng này.
17/167 cuộc TTKT không có kết luận bằng văn bản, một số khác chỉ có biên bản xử lý vi phạm theo mẫu in sẵn. Nhiều đoàn vào TTKT với nội dung quá rộng, quyết định ghi chung chung, có khi còn không ghi thời gian TTKT. Ví dụ: Đoàn của VKSND Hà Nội tiến hành tại Công ty Bưu điện 1 Hà Nội, hay 2 đoàn của Công an TP Hà Nội và 3 đoàn của Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội cùng vào kiểm tra tại Công ty Mỹ thuật TW.
Một năm chỉ nên vào DN một lần
Đây là biện pháp đầu tiên trong 4 biện pháp chủ yếu mà Thanh tra Nhà nước đưa ra nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong TTKT. Biện pháp thứ hai là cần phải xử lý chồng chéo ngay từ khi xây dựng chương trình, kế hoạch các cuộc TTKT không cần thiết, không phục vụ cho yêu cầu quản lý. Bên cạnh đó, để hạn chế thấp nhất các cuộc TTKT liên quan đến tài chính doanh nghiệp, thuế, Thanh tra Nhà nước đưa ra 2 hướng: thứ nhất, thu gọn đầu mối các cơ quan TTKT, nhất là ở cấp tỉnh và chủ yếu trong ngành tài chính, thuế, quản lý thị trường, quản lý vốn doanh nghiệp; thứ hai là tổ chức tốt các cuộc TTKT liên ngành để mở rộng nội dung TTKT, tránh gây tốn kém, lãng phí, phiền hà cho DN. Biện pháp cuối cùng là tuyệt đối chấm dứt việc TTKT không có quyết định và không có kết luận; tăng cường trách nhiệm của cán bộ TTKT đối với kết luận của mình; các đoàn TTKT sau phải sử dụng kết quả của các đoàn trước để làm cơ sở TTKT.
Thanh Huyền