Sáng 5/4, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu tiếp tục thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Một trong những nội dung sửa đổi là đề xuất nâng tiêu chí dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỷ đồng lên 20.000 tỷ đồng (mức đề xuất trước đây là 35.000 tỷ đồng).
Thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi, Uỷ ban Tài chính ngân sách đồng tình việc điều chỉnh vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia lên 20.000 tỷ đồng. Tương tự với các dự án nhóm A, B, C, đề nghị ở mức gấp 2 lần so với quy định hiện hành. Thảo luận sau đó, các đại biểu chuyên trách không đồng tình.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) nhìn nhận, tổng mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia 10.000 tỷ đồng là rất lớn, đáng lẽ nên thấp hơn. Mặt khác, thực tế vừa qua có tình trạng chia nhỏ dự án để giữ mức đầu tư dưới tiêu chí Quốc hội phê duyệt, nhằm không cần thông qua hay xin ý kiến Quốc hội.
"10.000 tỷ đã vậy, tăng tiêu chí lên nữa thì còn như thế nào? Trong khi tình trạng dự án đầu tư thất thoát, lãng phí... đang gây bức xúc trong nhân dân", ông Xuân đặt vấn đề và nhấn mạnh, việc nâng tổng mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia 10.000 tỷ đồng cần phải tính toán cho kỹ. Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cũng cho rằng đang có tình trạng chia nhỏ dự án ra để làm như kiểu "làm xiếc".
Cho rằng tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia lên 20.000 tỷ đồng tại dự thảo luật đưa ra chưa thuyết phục, ông Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách nói, 5 năm qua chỉ có 2 dự án đạt tiêu chí và thực hiện không có vướng mắc.
"Một quốc gia đang phát triển mà 5 năm chỉ có 2 dự án quan trọng là quá ít, nếu điều chỉnh tăng lên nữa thì có thể 5 năm tới Quốc hội không còn quyết định dự án quan trọng nào. Quốc hội là cơ quan quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà điều chỉnh để Quốc hội không quyết định dự án nào là rất bất hợp lý. Hơn nữa, biến động giá cả thời gian qua cũng không lớn, mức 10.000 tỷ đồng quy định hiện hành vốn đã rất cao", ông Hàm phân tích và đề nghị giữ nguyên mức theo luật hiện hành.
Riêng đối với các dự án nhóm A, B, C, đại biểu cho rằng cần đánh giá kỹ hơn để nếu bất cập thì điều chỉnh tăng 1,5 hoặc 2 lần như đề nghị của Chính phủ để đẩy mạnh phân cấp, thu hẹp khoảng cách giữa các dự án, nhất là dự án nhóm A và giảm bất cập trong quản lý.
Còn đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, tiêu chí dự án quan trọng, cấp bách không chỉ là bao nhiêu tiền, mà dự án đó giải quyết được vấn đề cấp bách nào trong thực tiễn. Như giai đoạn vừa qua chỉ có 2 dự án mà giờ Chính phủ đề nghị nâng lên mức 35.000 tỷ đồng, còn Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị ở mức 20.000 tỷ đồng, thì "có khi cả nhiệm kỳ Quốc hội không quyết được dự án nào". Do đó, ông Bình bày tỏ việc nâng tiêu chí dự án trọng điểm lên 20.000 tỷ đồng là không khả thi và đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành.
Ngoài không đồng tình việc nâng vốn dự án quan trọng quốc gia lên 20.000 tỷ đồng, các đại biểu chuyên trách cũng nêu bất cập việc giải ngân vốn đầu tư công chậm. Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình - Bùi Văn Phương chỉ ra, đầu tư công chậm do nhiều thủ tục phân cấp chưa mạnh và phân cấp chưa đi liền với phân quyền cho địa phương.
"Cần thay tiền kiểm bằng hậu kiểm, phân cấp mạnh hơn cho địa phương. Cả bộ máy phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ chứ mình Bộ Kế hoạch & Đầu tư làm hết thì địa phương chả biết làm gì", ông Phương nói và để nghị phân cấp phải đi đôi với phân quyền, giảm bớt thủ tục hành chính, xin - cho ... để giải phóng dự án nhanh, gọn.
Về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhắc nhở cần phân cấp mạnh cho địa phương, bởi địa phương nào có danh mục dự án thì địa phương đó quyết định còn Trung ương chỉ hỗ trợ.
Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) dự kiến sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp trong tháng 4, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 tới.
Anh Minh