Hạ thuỷ một con tàu do Vinashin đóng. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Đề án trên đã được Bộ Tài chính trình lên từ lâu, song trong lúc này Chính phủ vẫn đang chờ nghe ý kiến từ các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành xem xét kỹ lưỡng kế hoạch chi tiết của Vinashin cũng như bàn phương án giải ngân vốn huy động được.
Nếu được chấp thuận, đây là lần đầu tiên Việt Nam phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế. Thứ trưởng Tài chính Lê Thị Băng Tâm cho biết phát hành trái phiếu ra nước ngoài là một công việc hết sức khó khăn song cũng rất quan trọng đối với Việt Nam. "Vấn đề không chỉ là huy động được tiền cho các dự án mà quan trọng hơn là tạo hàng cho thị trường vốn, đưa hàng ra thị trường quốc tế nhằm thiết lập một chuẩn mực cho trái phiếu Việt Nam. Việc thiết lập chuẩn mực là cần thiết để sau này, trong trường hợp cần vốn, Chính phủ có thể tiếp tục phát hành trái phiếu ra nước ngoài".
Theo dự kiến, Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thủy sẽ là đơn vị phát hành trái phiếu, còn việc tư vấn và bảo lãnh phát hành hiện vẫn chưa có đối tác nào được chọn. Thời hạn của trái phiếu là 10 năm, lãi suất chưa xác định cụ thể.
Một quan chức của Vinashin cho biết, việc phát hành trái phiếu có thể sẽ không tiến hành nhanh chóng vì những lý do tế nhị. Theo ông, Chính phủ đồng ý với chủ trương phát hành trái phiếu quốc tế, nhưng ý kiến sơ bộ của các bộ về vấn đề này còn khác nhau. "Đề án chưa nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của các bộ, ngành". Ông cho biết thêm, một số doanh nghiệp trực thuộc của nhiều bộ ngành cũng đang rất cần vốn và đề nghị cho họ phát hành "ké" trong đợt này.
Đây được xem là thời điểm thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra nước ngoài do định mức tín nhiệm của Việt Nam đang được nâng cao.
7 năm trước, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã từng lập đề án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế nhằm huy động vốn cho dự án lọc dầu, nhưng chưa được chấp thuận. Petrovietnam vẫn đang áp dụng những phương thức thu xếp vốn khác nhau, kể cả vay vốn nước ngoài thông qua nhập khẩu thiết bị. Trong khi đó, Vinashin cho biết, tổng công ty này đang rất cần vốn cho các dự án đóng tàu đã ký với các tập đoàn nước ngoài. Trong khi chờ đợi sự chấp thuận của Chính phủ cho đề án phát hành trái phiếu quốc tế, Vinashin đang chuẩn bị phát hành đợt 2 trái phiếu trong nước với tổng trị giá 300 tỷ đồng.
(Theo TBKTSG)