Hiện nay, giá bán thép xây dựng trong nước đã tăng 400-600 đồng/kg so với tuần trước. Vì vậy, để "hạ nhiệt" thị trường thép, theo các bộ, từ tháng 3, bên cạnh việc cần giảm thuế nhập khẩu phôi thì các đơn vị kinh doanh thép cần phối hợp chặt chẽ với nhau để bình ổn thị trường này, đặc biệt là quản lý chặt chẽ, chấn chỉnh hệ thống kinh doanh trực thuộc, đại lý theo đúng quy định của Nhà nước và kiểm tra lượng hàng tồn kho trong kinh doanh.
Các bộ cũng cho rằng, trong tháng 2, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thép đến tháng 5, Chính phủ cần sớm ban hành quy trình nhập khẩu thép phế thông thoáng để thúc đẩy sản xuất trong nước và cho nhập ngay, hậu kiểm sau để đủ nguyên liệu sản xuất trong nước với giá rẻ hơn nhập phôi. Bên cạnh đó, nếu giá thép miền Bắc không xuống mức tương đương với khu vực phía Nam thì cần có sự điều chuyển sản phẩm. Hiện giá bán của các đơn vị thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam (đã có thuế giá trị gia tăng) đang có sự chênh lệch khá lớn giữa các miền. Cụ thể, tại miền Bắc, giá thép cây, cuộn dao động 8.190-8.452 đồng/kg; miền Trung 7.500-7.560 đồng/kg; miền Nam 7.140-7.400 đồng/kg.
Dự báo, tổng nhu cầu mặt hàng thép từ nay đến tháng 5 là trên 800.000 tấn (bình quân trên 200.000 tấn/tháng). Nếu lượng phôi đã ký hợp đồng về đúng hạn và sản xuất phôi ở trong nước đảm bảo đúng kế hoạch thì lượng cung hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến từ cuối năm 2003 đến nay, thép thế giới liên tục tăng giá là do nhu cầu năm nay tăng khoảng 2-3% nhưng lại tập trung ở Trung Quốc - là thị trường có ảnh hưởng lớn nhất thế giới và gần Việt Nam; nguồn cung nguyên liệu thô như: quặng sắt, coke khan hiếm khiến chi phí sản xuất tăng; giá cước vận chuyển vẫn ở mức cao (từ Biểm Đen đến các nước Đông Nam Á là khoảng 50-55 USD/tấn); đồng USD tiếp tục mất giá so với các ngoại tệ khác.
Ngọc Quang