Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2009 diễn ra trong bối cảnh suy thoái toàn cầu tiếp tục lan rộng, kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại, doanh nghiệp mong mỏi lãi suất giảm và được hỗ trợ tiếp cận vốn rẻ. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, song ngành ngân hàng đã hoàn thành hầu hết các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là góp phần kiểm soát lạm phát thành công và ổn định kinh tế vĩ mô. Ngay khi có những tín hiệu đầu tiên về nguy cơ suy giảm tăng trưởng, chính sách tiền tệ đã được điều hành linh hoạt nhằm hỗ trợ vốn cho các nhu cầu sản xuất kinh doanh, đồng thời vẫn kiểm soát chặt chất lượng tín dụng.
Hiện lãi suất cho vay tối đa của các tổ chức tín dụng giảm mạnh, từ đỉnh cao 23-24% hồi giữa năm về mức 12,75% vào những tháng cuối năm. Tính chung cả năm, lượng vốn ngân hàng cung ứng cho nền kinh tế vẫn tăng 21-22% so với cuối năm ngoái. Vốn đầu tư vào khu vực dân doanh, xuất khẩu và sản xuất vẫn tăng khá mạnh, trên dưới 35%. Riêng mảng đầu tư cho khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng thấp, 12-14% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, do thị trường trong và ngoài nước diễn biến quá nhanh, các ngân hàng đang phải gồng mình trước nhiều khó khăn, áp lực. Lãi suất đầu ra giảm nhanh nhưng bình quân lãi suất huy động đầu vào vẫn còn ở mức cao. Từ chỗ khủng hoảng thanh khoản hồi đầu năm, ngân hàng chuyển sang giai đoạn ứ đọng vốn giá cao mà không thể cho vay. Đa phần doanh nghiệp đều mong muốn lãi suất rẻ hơn nữa, số khác do kế hoạch kinh doanh lỡ dở nên cũng không mặn mà vay vốn.
Thủ tướng lắng nghe ghi chép từng ý kiến của các ngân hàng thương mại. Ảnh: P.V. |
Trao đổi với VnExpress.net, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô hơn 1.000 tỷ đồng cho biết từ tháng 11 tới nay, hầu như không thể tăng trưởng tín dụng, dù đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng vẫn có thêm hợp đồng vay vốn mới, nhưng nếu tính cả những trường hợp đến hạn thanh toán, hoặc trả trước hạn vì không kham nổi lãi suất cao, thì mức tăng trưởng gần như bằng 0%.
"Giữ được 0% là may lắm rồi. Tình hình này, nếu không đẩy được vốn đi, chắc chắn phải giảm huy động", vị lãnh đạo này tâm sự.
Theo ông, các ngân hàng đều dự đoán lãi suất sẽ giảm, song ít ai có thể ngờ nó xuống thấp và nhanh như vậy. Những ngân hàng huy động dài hạn và cho vay ngắn hạn với tỷ lệ lớn sẽ bị ảnh hưởng nặng khi lãi suất xuống mạnh và nhanh.
Tổng giám đốc LienVietBank Nguyễn Đức Hưởng cũng cho rằng nếu bình quân lãi suất đầu vào vẫn trên 12%, ngân hàng sẽ rất khó khăn. Lãi suất cho phần vốn đã huy động trước đây không thể thay đổi, trong khi lãi suất đầu ra phải điều chỉnh mỗi khi lãi suất cơ bản hạ xuống. Ngay cả với những hợp đồng cho vay lãi suất cố định, ngân hàng vẫn rơi vào thế khó xử bởi nhiều khách hàng đề nghị giảm nếu không sẽ thanh toán trước hạn để ký hợp đồng vay mới với lãi suất thấp.
Điều các ngân hàng lo nhất hiện nay là nếu lãi suất giảm nhanh và xuống sâu, sẽ rất khó khăn để huy động vốn từ các tổ chức kinh tế cũng như người dân. "Có 3 cái bẫy với các ngân hàng. Bẫy thứ nhất xảy ra hồi đầu năm khi lãi suất tăng mạnh, ngân hàng thiếu thanh khoản. Bẫy thứ hai diễn ra khi lãi suất giảm liên tục, ngân hàng khó cân đối chi phí đầu vào, dẫn tới nguy cơ thừa vốn mà không thể cho vay. Bẫy thứ ba có thể xảy ra nếu lãi suất xuống sâu quá, tiền không thể giữ được trong ngân hàng", ông Hưởng phân tích.
Khó khăn trên không chỉ của riêng khối cổ phần. Phát biểu trước Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu sáng nay, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Ngoại thương Nguyễn Hòa Bình cho rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngân hàng cũng cần được quan tâm. Theo ông, giảm lãi suất cơ bản xuống mức 8,5% là hợp lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn giá rẻ. Song ngân hàng khó thu hút vốn bởi lãi suất huy động ở mức hiện nay đã là thấp.
"Không nên coi tình trạng vốn như hiện nay là dư thừa. Nếu không đặt vấn đề cần tiếp tục tăng huy động, có thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu vốn. Ngân hàng cũng cần được quan tâm để có thể huy động vốn phục vụ nền kinh tế. Đồng thời cần có sự chia sẻ của người gửi tiền, mà đặc biệt là người dân", ông Bình nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Việt Nam có truyền thống đùm bọc nhau. Ngân hàng và doanh nghiệp cùng phối hợp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh". Ảnh: P.V. |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò của toàn hệ thống ngân hàng trong việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Theo ông, tăng trưởng kinh tế năm nay không đạt mục tiêu đề ra, song mức 6,23% được cho là khá trong bối cảnh suy thoái toàn cầu.
"Nếu không có vốn ngân hàng, làm sao có thể tăng trưởng 6,23%. Đóng góp của ngành ngân hàng rất quan trọng", Thủ tướng nói.
Năm 2009 kinh tế sẽ khó khăn hơn. Dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng 2,2%, nhiều nước lớn như Mỹ, Nhật, EU đều tăng trưởng âm. Suy thoái kinh tế chưa thấy điểm dừng. Tuy nhiên, nếu khéo triển khai, đây có thể là cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Việt Nam phải chủ động giảm giá đồng tiền ở mức hợp lý để phục vụ mục tiêu xuất khẩu.
Ghi nhận thực tế là nếu lãi suất giảm nhanh, khâu huy động vốn sẽ gặp khó khăn, song Thủ tướng kêu gọi các ngân hàng ủng hộ mục tiêu chung, tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
"Trong bối cảnh thị trường vốn chưa phát triển, nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế chủ yếu trông cậy vào ngân hàng. Nếu ngân hàng không có chính sách tiền tệ thích hợp, sẽ khó đạt mục tiêu đề ra. Chúng tôi đặt lòng tin vào ngành ngân hàng. Tôi đề nghị hết sức quan tâm tới lãi suất, tỷ giá, sao cho có đồng vốn để doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu", Thủ tướng nhấn mạnh. Với các hợp đồng vay vốn lãi suất cố định trước đây, Thủ tướng cũng đề nghị các ngân hàng bàn bạc với doanh nghiệp để giảm xuống.
Gói kích cầu đầu tư do Chính phủ đề xuất sẽ hướng sự quan tâm tới doanh nghiệp vừa và nhỏ, nơi tạo nhiều công ăn việc làm cho nền kinh tế. Phần lớn trong số 17.000 tỷ đồng sẽ được sử dụng để bù lãi suất (dự kiến khoảng 4%) cho nhóm doanh nghiệp này. Nếu suôn sẻ, sẽ có khoảng 420.000 tỷ đồng vốn vay ưu đãi cung cấp cho nền kinh tế, tương đương một phần ba tổng dư nợ toàn hệ thống năm 2009.
"Tôi mong muốn hoạt động ngân hàng lành mạnh, hiệu quả. Nhưng các ngân hàng cũng phải cố gắng giảm lãi, để đồng hành và chia sẻ với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có tồn tại, ngân hàng mới sống được", người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.
Thủ tướng cho biết khi có nghị quyết của Quốc hội về gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng, Chính phủ sẽ giao Ngân hàng Nhà nước lên kế hoạch triển khai, song cũng cần kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí.
Trao đổi với VnExpress.net ngay sau khi kết thúc hội nghị ngành sáng nay, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết ngân hàng sẽ làm tốt vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế, đồng thời giám sát chặt chất lượng tăng trưởng tín dụng. Theo ông, để thực hiện gói kích cầu một cách hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành liên quan như Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư.
"Trong giai đoạn kích cầu, phải giám sát thật chặt, nếu không sẽ lãng phí và có nguy cơ lạm phát quay trở lại. Hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu", ông Giàu nói.
Song Linh