Thị trường dầu lửa thế giới lên xuống rất thất thường, luôn "trêu ngươi" các nhà hoạch định chính sách. Dù rất thận trọng song cơ quan quản lý cũng rơi vào thế bị động. Thậm chí, ngay tại thời điểm Bộ Thương mại ra quyết định giảm giá 500 đồng/lít đối với mặt hàng xăng (ngày 21/11), thì chưa đầy 30 phút sau, giá dầu thô trên thị trường thế giới bất ngờ tăng từ mức 56,72 USD lên 58 USD/thùng.
Nhu cầu sử dụng xăng tăng cao. Ảnh: Anh Tuấn |
Điều này cũng được nhắc lại trong cuộc họp bàn hôm qua của liên bộ Tài chính - Thương mại. Phương án giảm giá càng khó khả thi khi Bộ Thương mại lo rằng làm như vậy có thể tạo điều kiện cho nạn xuất lậu xăng dầu diễn ra nghiêm trọng hơn.
Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần có phương án giảm thiểu rủi ro trước biến động của giá dầu thế giới. Chính sách quản lý mới được Bộ Tài chính nghĩ tới là điều hành thị trường trong nước theo hướng định giá theo tháng, giống như mặt hàng gas. Tuy nhiên, điểm khác biệt là gas do doanh nghiệp tự quyết, còn xăng dầu thì do Nhà nước.
Nếu theo phương án này, cơ quan quản lý sẽ căn cứ mức giá bình quân nhập khẩu của tháng này và giá nhập khẩu gần nhất để doanh nghiệp áp một mức giá bán mới cho tháng sau và quy định giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng. Nếu cách làm này ổn định và có hiệu quả cao, tiến tới giá sẽ được điều chỉnh theo từng tuần, nếu đủ điều kiện sẽ trao quyền cho doanh nghiệp và họ được tự quyết mức giá theo tín hiệu thị trường.
Theo một quan chức của Bộ Tài chính, đây là cách làm hay và tương đối linh hoạt. Tuy nhiên, cái khó đặt ra cho cơ quan quản lý là làm thế nào để kiểm soát được số lượng hàng tồn kho để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng bán sản phẩm theo giá đón đầu gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, doanh nghiệp tồn trong kho khoảng 1.000 tấn có giá thấp nhập từ tháng trước và tuồn lượng hàng này ra bán giá cao với giá của tháng sau. Đây là hình thức móc túi người tiêu dùng và bản thân Nhà nước cũng khó kiểm soát. "Chúng tôi đang xem xét phương án này một cách thận trọng", vị quan chức này nói.
Minh Khuyên