Theo Điều 5 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người lao động muốn xuất khẩu lao động có thể thông qua 3 hình thức:
- Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp để thực hiện thỏa thuận quốc tế.
- Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
- Hợp đồng lao động do người lao động Việt Nam trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.
Như vậy, bạn có thể lựa chọn hình thức ký hợp đồng lao động trực tiếp với người sử dụng lao động ở nước ngoài.
Tại Điều 50 Luật này cũng quy định người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động trực tiếp giao kết cần đáp ứng các điều kiện như sau:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
- Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài.
- Đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động.
- Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động.
- Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Có hợp đồng lao động theo quy định pháp luật.
- Có văn bản xác nhận việc đăng ký hợp đồng lao động của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người lao động thường trú.
Để tìm công ty xuất khẩu lao động uy tín, bạn có thể tham khảo, tra cứu công ty xuất khẩu lao động uy tín được Bộ lao động Thương binh và Xã hội cấp phép tại trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội