Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Tá tại cuộc họp báo sáng nay. Ảnh: Anh Tuấn |
- Xin ông giải thích rõ hơn về nguyên nhân tăng giá xăng dầu lần này?
- Việc điều chỉnh giá như hôm nay là bất khả kháng. Theo thống kê, mức giá nhập trung bình 24 ngày đầu tháng 3 đã tăng 30-49% so với năm ngoái. Tổng thư ký Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu lửa (OPEC) mới dự báo giá dầu năm nay dao động trong khoảng 50-60 USD/thùng. Liên bộ Tài chính, Thương mại cũng đồng ý với nhận định này. Ngay cả khi giá trung bình của năm chỉ ở mức 55 USD/thùng cũng là biến động lớn so với năm ngoái.
Trước khi tăng giá, Bộ Tài chính đã 3 lần giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, mới đây nhất đã đưa toàn bộ về 0%. Tuy nhiên, các đầu mối nhập khẩu vẫn lỗ nặng. Nếu không tăng, năm nay sẽ phải bỏ ra khoảng 18.800 tỷ đồng để bù lỗ. Ngay cả khi đã tăng thế này, dự kiến số tiền bù lỗ vẫn ở mức cao, 12.300 tỷ đồng. Con số đó quá lớn khi đem so sánh với dự toán ngân sách của năm. Dự kiến tổng thu ngân sách năm nay là 183.000 tỷ đồng. Trong đó, thu từ dầu thô là 38.000 tỷ đồng, thu từ thuế xuất nhập khẩu là 37.700 tỷ đồng. Số tiền bù lỗ 12.300 tỷ đồng dự kiến đó thậm chí còn lớn hơn tổng thu ngân sách của 13 tỉnh ĐBSCL (dự toán là 11.194 tỷ đồng) hoặc của cả 21 tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ cộng lại (11.885 tỷ đồng).
- Giá xuất khẩu dầu thô lên cao, vậy tại sao không dùng phần tăng thu đó để bù lỗ cho nhập khẩu xăng dầu mà lại tăng giá bán lẻ trong nước?
- Theo tính toán, với mặt bằng giá dự báo như hiện nay, tăng thu xuất khẩu dầu thô năm nay có thể đạt 15.000 tỷ đồng. Trong số này đã dành 7.000 tỷ đồng để bù lỗ cho khoản thất thu thuế nhập khẩu. Ngoài ra, khi tăng giá xăng, phần bù lỗ riêng cho dầu năm nay vào khoảng 12.300 tỷ. Như vậy, tăng thu không đủ bù lỗ, chứ đừng nói là giữ nguyên giá bán. Trong khi đó, theo phản ánh của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, tốc độ tăng giá của dầu thô xuất khẩu và giá dầu thành phẩm phải nhập không đồng thời theo cùng một tốc độ. Giá dầu chế biến phải nhập thường cao hơn rất nhiều so với dầu thô xuất đi.
- Tại sao lần điều chỉnh này, liên bộ lại quyết định điều chỉnh giá định hướng mà không tính chuyện mở biên độ theo Quyết định 187?
- Lần này phải điều chỉnh giá định hướng vì biên độ giá xăng đã mở gần hết, khoảng 7% so với quy định chung là 10%. Tuy nhiên, theo tinh thần Quyết định số 187 của Thủ tướng Chính phủ ban hành 15/9/2003, doanh nghiệp có thể điều chỉnh trong phạm vi biên độ cho phép khi giá thị trường thế giới có biến động. Trong trường hợp doanh nghiệp bắt buộc phải áp dụng biên độ tăng giá thì cũng đúng theo tinh thần của Thủ tướng và Thường trực Chính phủ thôi, bởi mặt hàng xăng không còn được bù lỗ. Tất nhiên, doanh nghiệp phải mở thế nào để kinh doanh không lỗ lại không ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội.
- Một trong những lý do để điều chỉnh giá xăng dầu là tình trạng xuất lậu sang biên giới. Vậy xin cho biết thống kê về lượng xăng buôn lậu thời gian qua?
- Phải thừa nhận là không thể có con số thống kê chính xác. Có chăng chỉ là áng chừng căn cứ một phần vào số xăng dầu bắt được và nhìn theo mức độ vận chuyển trong khu vực. Khó thống kê nhưng có thể nói tình hình đã rất nghiêm trọng. Quyết định tăng giá lần này chỉ có thể hạn chế một phần tình trạng xuất lậu. Bởi giá dầu dielsel của Trung Quốc hiện thấp hơn 30% so với giá của Việt Nam. Còn giá xăng của Capuchia đã được thả nổi hoàn toàn, vào khoảng 10.300 đồng/lít.
- Năm nay hạn hán hoành hành, ngành điện đang lo thuỷ điện không đủ cung cấp mà phải nhờ đến nhiệt điện. Việc tăng giá xăng dầu lần này liệu có làm tình hình cung ứng điện thêm căng thẳng?
- Bất cứ sự tăng giá nào đều có tác động đến sản xuất kinh doanh. Riêng với ngành điện, đúng là có khó khăn đó. Song ngay cả khi hạn hán, sản lượng thuỷ điện vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, không có chuyện nhiệt điện chạy dầu thay cho thuỷ điện được đâu. Vì vậy, tôi cho rằng nỗi lo của ngành điện chính là ở chỗ nếu giá xăng dầu tăng cao, phần thu để lại phục vụ mục đích tái đầu tư sẽ bị ảnh hưởng. Thực tế là tái đầu tư của ngành điện hằng năm rất lớn. Tăng giá xăng dầu có chăng chỉ ảnh hưởng một phần đến kế hoạch đầu tư hằng năm, chứ không ảnh hưởng đến cung cấp điện.
- Nông dân các tỉnh đang vất vả chống hạn và càng khó khăn hơn nếu giá dầu tăng cao. Vậy Nhà nước có tính toán tới biện pháp hỗ trợ cho họ?
- Chống hạn là nhiệm vụ hết sức quan trọng, ảnh hưởng tới đời sống và canh tác của số đông bà con. Việc tăng giá xăng dầu có thể ảnh hưởng một phần. Song ở những vùng hạn nặng, Chính phủ đã chỉ đạo hỗ trợ mọi mặt. Ngoài biện pháp hỗ trợ trực tiếp, hằng năm, ngân sách trung ương đều có phần chi cho hỗ trợ chống hạn, lũ và lụt ở các tỉnh mà ngân sách địa phương có khó khăn. Vì vậy, có thể hoàn toàn yên tâm.
- Lần điều chỉnh giá xăng dầu năm ngoái, đã có yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước tiết kiệm 10% chi phí xăng dầu song không phải đơn vị nào cũng chấp hành nghiêm chỉnh. Nay tiếp tục yêu cầu cắt giảm 10%, liệu có khả thi?
- Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng phải làm kiên quyết chuyện này. Thực tế không phải tất cả các cơ quan đều thực hiện tốt. Nhưng năm nay, sẽ tiếp tục duy trì tư tưởng đó và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện. Theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ đang dự thảo chỉ thị tiết kiệm riêng về xăng dầu. Tôi tin rằng nếu có sự ủng hộ từ trên xuống dưới chúng ta sẽ làm được.
- Trong hàng loạt giải pháp chống tăng giá ăn theo xăng dầu, Chính phủ và bộ ngành có yêu cầu các doanh nghiệp cắt giảm chi phí. Nhưng các doanh nghiệp lớn kêu là rất khó và vẫn tăng giá bán sản phẩm?
- Các tổng công ty lớn đang ép Bộ Tài chính cho phép họ tăng giá bán sản phẩm. Nhưng theo chỉ đạo của Chính phủ, điều này là không được. Hơn nữa, mức điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu lần này không lớn đến mức tác động tới sản xuất kinh doanh của họ và buộc phải tăng giá bán sản phẩm. Các số thống kê cho thấy, lợi nhuận của một số doanh nghiệp lớn sẽ vẫn còn khi giá nhiên liệu tăng. Với ngành điện, theo tính toán của chúng tôi, khi giá xăng dầu tăng có thể làm đội chi phí thêm 222,7 tỷ đồng. Nhưng trong năm 2004, lợi nhuận của họ là 1.800 tỷ đồng. Giả sử hoạt động kinh doanh ngành điện năm nay vẫn thế và họ không thực hiện cắt giảm chi phí theo yêu cầu của Chính phủ, thì phần lợi có được vẫn rất lớn. Nếu thực hiện nghiêm chỉ thị tiết kiệm của Chính phủ, có thể triệt tiêu phần chi phí phụ trội do giá nhiên liệu tăng. Với ngành than cũng vậy, chi phí phụ trội do giá dầu tăng dự kiến là 112 tỷ đồng cả năm nay, nhưng năm ngoái, lợi nhuận của họ là 700 tỷ.
Mới đây Tổng công ty Thép vừa báo cáo Chính phủ, dự kiến sẽ giảm 5-10% chi phí về phôi thép, giảm 10-15% chi phí bán hàng. Đây là một động thái tích cực và đáng hoan nghênh. Tất nhiên, trong lĩnh vực thép, tổng công ty chỉ chiếm 30% thị phần, dù có cố gắng thì cũng chỉ kìm giữ mặt bằng giá nói chung ở một mức nhất định. Tất nhiên cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý chặt hiện tượng tăng giá mang tính chất đầu cơ.
- Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc tăng giá xăng dầu chỉ có thể khiến giá thành một số sản phẩm tăng nhẹ, 0,06-8,38% tuỳ từng loại mặt hàng. Vậy tác động tới chỉ số giá tiêu dùng nói chung thì sao?
- Nếu cứ để biến động chỉ số giá tiêu dùng cao, sẽ ảnh hưởng lớn đến lạm phát và rất nguy hiểm cho cân đối vĩ mô chung của nền kinh tế. Khi quyết định tăng giá xăng dầu, Chính phủ cũng yêu cầu cân nhắc mức tăng sao cho không ảnh hưởng lớn tới kinh tế vĩ mô. Đi đôi với nó là áp dụng đồng bộ các biện pháp để cắt giảm chi phí sản xuất và tiết kiệm xăng dầu, để không vì giá xăng dầu mà đội giá bán sản phẩm. Tôi tin nếu áp dụng tất cả các biện pháp đồng bộ đó thì có thể giữ được chỉ tiêu tăng giá tiêu dùng ở mức Quốc hội đã phê duyệt (6,5%).
Trên thực tế, 3 tháng đầu năm chỉ số CPI tăng cao. Nhưng kinh nghiệm các năm trước cho thấy, các tháng tiếp theo sẽ hạ xuống. Chẳng hạn 1999, lạm phát 2 tháng đầu năm là 3,6%, cả năm là 0,1%. Năm 2002, 2 tháng đầu năm là 3,3% và cuối năm là 4%. Nếu điều hành tốt, có thể giữ vững mục tiêu về tăng giá tiêu dùng. Năm ngoái diễn biến giá bất thường, 2 tháng đầu năm tăng 3%, cuối năm là 9,5% nhưng qua đó ta có thể tìm ra những nhân tố tích cực và rút kinh nghiệm để tránh lặp lại chuyện này trong năm nay.
- Giá các chỉ phí nhiên liệu tăng cao, lại phải kiềm chế lạm phát. Điều này có ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế, dẫn đến chuyện đánh đổi giữa 2 mục tiêu?
- Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay thực hiện đồng thời cả 2 mục tiêu, không thể để tỷ lệ lạm phát cao bởi nó đảo lộn cả nền kinh tế và ảnh hưởng đến tăng trưởng. Chỉ tiêu tăng trưởng GDP 8,5% là mức phấn đấu rất cao mới đạt được. Muốn thế, phải kiềm chế tốc độ tăng giá cả ở mức độ nhất định, nếu vượt lên mức 9-10% sẽ khó đảm bảo. Đặc điểm kinh tế của ta là hầu hết các đầu vào của sản xuất đều phụ thuộc vào bên ngoài. Nếu như đầu vào tăng cao thì khả năng cạnh tranh của nền kinh tế vốn đã thấp lại càng thấp hơn, sản xuất ra hàng mà không bán được thì làm sao có thể tăng trưởng. Đầu tư cũng vậy, nếu chi phí đầu vào tăng cao, làm sao có thể thu được hiệu quả. Các nhà lý luận hay so sánh giữa 2 mục tiêu. Một số người cho rằng nên lấy tăng trưởng làm mục tiêu chính và để lạm phát cao cũng được, nhưng theo tôi ở Việt Nam cả 2 mục tiêu này phải đi đôi với nhau.
Song Linh