Chiều 8/11, bà Vũ Thị Như Xuân, Chủ tịch UBND phường 12 (quận Tân Bình) cho biết đã đình chỉ nhóm trẻ từ cuối tuần trước. Theo bà Xuân, đây là điểm giữ trẻ không phép, hoạt động từ đầu tháng 11 đến nay.
Việc trông trẻ diễn ra tại tầng 3 một tòa nhà trên đường Trương Hoàng Thanh, gồm ba cô giáo và một bảo mẫu. Nhà được chia thành nhiều phòng, có nhiều đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ.
Trong số 20 trẻ, 6 em là con của nhân viên tòa nhà, còn lại là trẻ bên ngoài. Đoàn kiểm tra của phường đã yêu cầu nhóm trẻ liên hệ với phụ huynh đón con về và chấm dứt hoạt động.
Quản lý nhóm trẻ từng đăng thông tin quảng cáo trên các diễn đàn Facebook, mời phụ huynh gửi con. Theo đó, muốn gửi con, phụ huynh phải được tiêm đủ hai mũi vaccine, kiểm tra Covid-19 tuần một lần. Thời gian học từ thứ hai đến thứ bảy, 7-17h mỗi ngày. Học phí và các chi phí khác từ 3,7 đến 3,8 triệu đồng mỗi tháng, tùy độ tuổi.
Từ năm 2020, do Covid-19 bùng phát, các trường nhiều lần phải đóng cửa. Ở đợt dịch thứ tư này, hệ thống trường mầm non đã có gần 6 tháng dừng hoạt động, không có nguồn thu, dẫn đến nhiều khó khăn, không thể trả lương cho giáo viên, thầy cô phải kiếm sống bằng nghề khác.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, tính đến tháng 10/2021, ít nhất 151 cơ sở giáo dục mầm non tư thục đã giải thể vì không trụ nổi với dịch bệnh. Thành phố có hơn 12.300 giáo viên, nhân viên bị mất việc, 82% trong số này là giáo viên mầm non.
Thành phố dần "mở cửa" từ ngày 1/10, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều phụ huynh lo lắng bởi vừa đi làm, vừa xoay xở tìm cách trông con. Trừ hai trường tiểu học và THCS trên xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ học trực tiếp từ 20/10, tất cả trường còn lại vẫn học theo hình thức trực tuyến.
Đầu tháng 10, một trường tư thục ở Sóc Sơn, Hà Nội cũng bị phạt 30 triệu đồng vì cho khoảng 50 em, chủ yếu là trẻ mầm non, đi học trở lại, vi phạm quy định chống dịch.