Ngày 8/6, Chính phủ ban hành Nghị định 30/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Trong đó, quan trọng nhất là bỏ nội dung đơn vị đăng kiểm phải độc lập về pháp lý và tài chính với đơn vị kinh doanh vận tải, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới. Tham gia dịch vụ kiểm định có thể là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, thay đổi này nhằm huy động cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, kinh doanh dịch vụ vận tải tham gia kiểm định xe cơ giới, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và đẩy mạnh áp dụng khoa học trong kiểm định xe. Các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ôtô muốn được cấp phép kiểm định cần có đủ điều kiện như mặt bằng, trang thiết bị, nhân lực... theo quy định thành lập đơn vị đăng kiểm đã có.
Nghị định mới cũng cho phép nhân lực kiểm định, cơ sở vật chất thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia kiểm định xe cơ giới nếu hệ thống trung tâm đăng kiểm không đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Để tránh các trung tâm thành lập mới ồ ạt, gây cạnh tranh không lành mạnh như thời gian qua, Chính phủ bổ sung quy định việc thành lập đơn vị đăng kiểm phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và phù hợp với số lượng, mật độ phương tiện được đăng ký trên địa bàn.
Nghị định 30 cũng cho phép số đăng kiểm viên trên mỗi dây chuyền là 2, thay vì 3, trong đó có ít nhất một đăng kiểm viên bậc cao như hiện nay. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhiều dây chuyền thiết bị hiện không được sử dụng do không đủ 3 đăng kiểm viên. Quy định mới sẽ giúp tận dụng tối đa nguồn nhân lực để vận hành dây chuyền kiểm định của các trung tâm.
Về điều kiện của đăng kiểm viên, nghị định giữ nguyên quy định hiện hành - tức đăng kiểm viên có trình độ chuyên môn đại học chuyên ngành kỹ thuật cơ khí, song cho phép giảm thời gian thực tập. Thay vì đăng kiểm viên phải có 12 tháng thực tập kiểm định trước khi thi sát hạch cấp chứng chỉ, nghị định cho phép học viên đã làm việc 12-24 tháng tại cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng ôtô chỉ cần thực tập 6 tháng; làm việc trên 24 tháng thì thực tập 3 tháng.
Nghị định mới thay đổi theo hướng phân cấp quản lý lĩnh vực đăng kiểm cho các địa phương. Doanh nghiệp xin cấp giấy phép hoạt động trung tâm đăng kiểm gửi về Sở Giao thông Vận tải (không gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam như hiện nay). Sở cũng quyết định đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận hoạt động của đơn vị đăng kiểm; kiểm tra, đánh giá việc duy trì điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực hoạt động kiểm định và thông báo đến Cục Đăng kiểm Việt Nam để phối hợp quản lý.
Thời gian qua, một số trung tâm đăng kiểm cạnh tranh không lành mạnh, có nhiều sai phạm. Để hạn chế tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất sửa đổi Nghị định 139 để nâng cao chất lượng kiểm định, trong đó chủ trương trao quyền kiểm định giúp tận dụng trang thiết bị của các trung tâm bảo dưỡng xe, tăng thêm lựa chọn cho người dân.
Trước lo ngại các đơn vị vừa bảo dưỡng xe vừa làm dịch vụ đăng kiểm sẽ là "vừa đá bóng, vừa thổi còi", ông Nguyễn Tô An, Cục phó Đăng kiểm Việt Nam, cho rằng chủ xe hoàn toàn được tự lựa chọn nơi đăng kiểm, bảo dưỡng xe và thay thế phụ tùng theo nhu cầu, các trung tâm không thể ép.