Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến các bộ ngành dự thảo sửa đổi Nghị định 139/2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Điểm mới quan trọng nhất của dự thảo là bỏ quy định đơn vị kiểm định phải độc lập về pháp lý và tài chính với đơn vị kinh doanh vận tải, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới.
Theo Ban soạn thảo, thay đổi này nhằm huy động cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, kinh doanh dịch vụ vận tải tham gia kiểm định xe cơ giới, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và đẩy mạnh áp dụng khoa học trong kiểm định xe.
Hiện một số hãng xe lớn trong nước đã có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng, được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn. Lực lượng này có thể tham gia lĩnh vực kiểm định.
Dự thảo cũng cho phép nhân lực kiểm định, cơ sở vật chất thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia kiểm định xe cơ giới nếu hệ thống trung tâm đăng kiểm không đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Dự thảo Nghị định 139 sửa đổi cho phép số đăng kiểm viên trên mỗi dây chuyền là 2, thay vì 3, trong đó có ít nhất một đăng kiểm viên bậc cao như hiện nay. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhiều dây chuyền thiết bị hiện không được sử dụng do không đủ 3 đăng kiểm viên. Quy định mới giúp tận dụng tối đa nguồn nhân lực để vận hành dây chuyền kiểm định của các trung tâm.
Về điều kiện của đăng kiểm viên, dự thảo nghị định giữ nguyên quy định hiện hành, tức đăng kiểm viên có trình độ chuyên môn đại học chuyên ngành kỹ thuật cơ khí. Trước đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất cho phép người có trình độ trung cấp, cao đẳng kỹ thuật cơ khí, có kinh nghiệm làm việc trong xưởng sửa chữa, bảo dưỡng ôtô được thi sát hạch và cấp chứng chỉ đăng kiểm viên, nhưng không được đồng tình.
Ban soạn thảo đã giảm thời gian thực tập của đăng kiểm viên. Thay vì đăng kiểm viên phải có 12 tháng thực tập kiểm định trước khi thi sát hạch cấp chứng chỉ, dự thảo cho phép học viên đã làm việc 12-24 tháng tại cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng ôtô chỉ cần thực tập 6 tháng; làm việc trên 24 tháng thì thực tập 3 tháng.
Ban soạn thảo lý giải những người có kinh nghiệm trực tiếp làm công tác bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa ôtô chỉ cần thực tập thêm về nghiệp vụ đăng kiểm. Do vậy thời gian thực tập được rút ngắn mà vẫn đảm bảo đầy đủ năng lực chuyên môn cho hoạt động kiểm định.
Dự thảo Nghị định còn bổ sung quy định lãnh đạo được phân công ký giấy kiểm định phải chịu trách nhiệm về hoạt động kiểm định xe cơ giới tại đơn vị; phải là đăng kiểm viên xe cơ giới đã thực hiện nhiệm vụ của đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng.
Dự thảo cũng đề xuất cho phép các trung tâm, đăng kiểm viên được kiểm định số lượng xe không giới hạn. Quy định hiện hành yêu cầu một đăng kiểm viên kiểm tra không quá 20 xe mỗi ngày; mỗi dây chuyền loại I không quá 90 xe, dây chuyền loại II không quá 70 xe.
Thay đổi này nhằm tạo điều kiện cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cải tiến quy trình kiểm định, tăng năng suất lao động theo trình độ, kỹ năng của từng đăng kiểm viên và đơn vị đăng kiểm.
Dự thảo thay đổi theo hướng phân cấp quản lý lĩnh vực đăng kiểm cho các địa phương. Doanh nghiệp xin cấp giấy phép hoạt động trung tâm đăng kiểm gửi về Sở Giao thông Vận tải, không gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam như hiện nay.
Sở Giao thông Vận tải cũng quyết định đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận hoạt động của đơn vị đăng kiểm; kiểm tra, đánh giá việc duy trì điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực hoạt động kiểm định và thông báo đến Cục Đăng kiểm Việt Nam để phối hợp quản lý.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, nội dung sửa đổi nhằm siết chặt hơn nữa quản lý nhà nước, minh bạch các thủ tục cấp giấy chứng nhận kiểm định xe cơ giới, công nhận đăng kiểm viên. Một số quy định được nới lỏng nhằm thu hút nguồn lực, tạo điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học trong hoạt động kiểm định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Văn Thanh (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam) ủng hộ chủ trương trao quyền đăng kiểm cho các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa xe để tận dụng cơ sở vật chất, mặt bằng và đội ngũ kỹ thuật viên có tay nghề cao. Cùng với đó, người dân cũng có thêm sự lựa chọn, tiết kiệm được thời gian khi đi bảo dưỡng, đăng kiểm xe.
Theo ông, đăng kiểm là ngành dịch vụ kỹ thuật, những người thợ có chuyên môn, kinh nghiệm làm việc có thể thao tác thành thục trên máy móc kiểm định. Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu sửa đổi quy định bắt buộc đăng kiểm viên phải có bằng đại học. "Mỗi dây chuyền kiểm định cũng chỉ cần tối thiểu một đăng kiểm viên thay vì hai người như dự thảo", ông nói.
Đến ngày 30/3, cả nước có 57/281 trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động sau 5 tháng công an điều tra sai phạm trong ngành này. Tình trạng ùn tắc tại các trung tâm kiểm định vẫn diễn ra do thiếu đăng kiểm viên. Chủ ôtô không phải mang xe xếp hàng chờ đợi nhiều ngày để đăng kiểm song vẫn phải đăng ký, nhận giấy hẹn và sau 1-2 tháng mới đến lượt.
Để giải quyết, Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã ban hành Thông tư 2/2023 sửa đổi Thông tư 16 về kiểm định xe. Các xe mới chưa qua sử dụng được miễn kiểm định lần đầu, nhiều phương tiện đang sử dụng được giãn chu kỳ kiểm định.