Điều 21 Hiến pháp 20123 quy định về quyền đối với bí mật riêng tư của cá nhân như sau:
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Bên cạnh đó, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau:
1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
Như vậy, cá nhân có toàn quyền bảo vệ thông tin riêng tư được lưu trữ trong điện thoại khỏi sự xâm phạm của cá nhân, tổ chức khác; quyền này chỉ bị hạn chế trong một số trường hợp theo quy định của luật
Điện thoại là một trong những thiết bị lưu giữ nhiều bí mật đời tư được pháp luật bảo đảm an toàn và bí mật. Việc kiểm soát điện thoại cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Công ty bạn đang làm việc không phải là một cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời pháp luật lao động hoàn toàn không có nội dung nào quy định người sử dụng lao động có quyền kiểm tra, thu giữ hoặc sao chép thông tin cá nhân, dữ liệu riêng tư trong điện thoại của người lao động mà không được sự đồng ý của họ.
Ngay cả khi việc kiểm tra, thu giữ, sao chép này nhằm mục đích xác minh lỗi vi phạm kỷ luật lao động. Vì vậy, công ty không có quyền kiểm tra nhật ký điện thoại của nhân viên.
Đối với hành vi này, bạn có thể làm đơn đề nghị công đoàn hoặc thanh tra lao động vào cuộc giải quyết, nếu không được các tổ chức này giải quyết, bạn có thể gửi đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật này đến cơ quan Công an. Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý theo quy định pháp luật như xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội