Ông Nguyễn Đình Quyền. |
- Quan điểm của ông thế nào khi ngân sách nhà nước được dùng để bồi thường oan sai trong hoạt động tư pháp?
- Về bồi thường oan sai, trước đây có Nghị quyết 388 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bây giờ có Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước nên việc bồi thường oan sai phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
Ở các nước khác, vấn đề bồi thường oan sai cũng đều lấy từ ngân sách nhà nước, không chỉ Việt Nam. Trong trường hợp họ không có tiền thì làm sao bồi thường được? Vấn đề này thuộc về lý luận, các cụ đã nói “con dại cái mang” - pháp nhân nhà nước phải đứng ra bồi thường thiệt hại. Đó là quan hệ hành chính Nhà nước, giữa người thực hiện công vụ và người có quyền, lợi ích liên quan chứ không phải quan hệ dân sự giữa hai bên. Không bao giờ có việc bồi thường tay đôi giữa công chức Nhà nước với người bị oan sai.
- Có ý kiến không tán thành việc cán bộ cơ quan nhà nước làm sai rồi lấy tiền thuế của dân để đền bù, ông suy nghĩ thế nào?
- Nhiều nước có quy định nếu chứng minh công chức mẫn cán vô tình làm oan sai thì nhà nước sẽ bồi thường. Đặc biệt, công chức tư pháp được loại trừ hoàn toàn khỏi trách nhiệm bồi thường về vật chất để không bị sức ép khi thực hiện công vụ.
Theo tôi, giữa lỗi cố ý và lỗi vô ý trong tố tụng là rất khó phân biệt: Do năng lực hạn chế, do tinh thần trách nhiệm hay do cố ý chứng minh rất khó trừ trường hợp bắt quả tang họ có đi đêm ngầm với đương sự. Ngay cả do lỗi cố ý đi chăng nữa thì mức độ bồi hoàn của cán bộ, viên chức cũng rất nhỏ. Việc bồi hoàn vẫn phải đảm bảo cho công chức đó sống được từ lương nên có những khoản bồi hoàn đến trăm năm cũng không thấm gì so với số tiền ngân sách Nhà nước phải bỏ ra.
Khi thực hiện Nghị quyết 388 cũng có ý kiến là cơ quan pháp luật sẽ chùn tay vì sợ sẽ bồi hoàn. Nhưng trên thực tế chưa ai phải bồi hoàn cả vì chứng minh được lỗi cố ý là rất khó.
- Tiền bồi thường lấy từ ngân sách nhà nước tại sao vẫn bị chậm trễ, kéo dài?
- Bồi thường oan sai trong tố tụng hình sự thời gian qua nhìn chung rất chậm do có nguyên nhân về cơ chế. Chúng ta giao cho chính những người làm oan đi bồi thường thì dù có chấn chỉnh nhưng tính cố chấp của các cơ quan quyền lực khi làm sai vẫn là dây dưa, trì hoãn, gây khó khăn. Bên cạnh đó, có nguyên nhân về mô hình thủ tục cũng làm việc bồi thường chậm trễ.
Theo tôi đã đến lúc thay đổi, tức là giao cho cơ quan khách quan, công khai và minh bạch hơn. Giả dụ giao Bộ Tư pháp, cơ quan không tiến hành tố tụng nhưng là cơ quan thay mặt nhà nước để giải quyết.
- Nhà nước còn lấy tiền ngân sách ra bồi thường thì cán bộ sẽ vẫn còn để oan sai. Ông nghĩ sao về nhận định trên?
- Về nguyên tắc thì nhà nước vẫn phải bồi thường và người bị oan phải được bảo đảm. Còn nếu muốn nhà nước không phải lấy ngân sách bồi thường thì phải chấn chỉnh lại toàn bộ bộ máy nhà nước, từ đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm, kỷ luật, xử lý.
Việc bồi thường oan sai với công tác cán bộ có liên quan rất mật thiết. Ở các nước, việc bồi thường là rất ít vì công tác cán bộ, bổ nhiệm, tuyển dụng, thanh kiểm tra và xử lý cán bộ họ làm rất tốt, chọn được những cán bộ xứng đáng. Nếu chúng ta còn làm kiểu lỏng lẻo trong công tác cán bộ, vẫn để lọt những người không xứng đáng vào bộ máy Nhà nước thì tất cả những công tác yếu kém đó Nhà nước và người dân phải chịu.
Hoàng Thùy ghi