Theo Foreign Policy, Viện Nghiên cứu Mỹ - Trung (ICAS) là cơ quan nghiên cứu duy nhất của Trung Quốc có trụ sở tại Washington. Dù vậy, hoạt động của ICAS bị đánh giá là mờ nhạt và không tạo được tiếng nói trong giới học giả Mỹ.
Khi tìm kiếm trên Google, ICAS xuất hiện ở trang hiển thị kết quả thứ ba, sau nhiều tổ chức ít tiếng tăm có cùng tên viết tắt như Viện Kế toán viên Giám định Scotland, Hội đồng Triển lãm Hàng không Quốc tế, hay Cộng đồng Inupiat tại Bắc Cực - một bộ tộc ở Alaska. Trên trang Twitter, ICAS chỉ có chưa đầy 100 người theo dõi.
Mặc dù các học giả Mỹ chú ý đến một số bài viết của bà Hong Nong, giám đốc điều hành ICAS, về các tuyên bố của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông, nhiệm vụ trọng tâm của ICAS - tổ chức với 5 thành viên - gần như không được biết đến, ngoại trừ số ít những người theo dõi sát tình hình Trung Quốc tại các cơ quan nghiên cứu của Mỹ.
Ngay cả ông Patrick Ho, lãnh đạo China Energy Fund, một trong rất ít cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc tại Mỹ, cũng nói ông chưa từng nghe đến ICAS. Hiện không rõ Trung Quốc có bao nhiêu cơ quan nghiên cứu tại Mỹ, với con số ước tính dao động từ 2 cho tới 12 cơ quan.
"Tôi không biết liệu họ có danh tiếng gì chưa", học giả về Biền Đông Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), nói. "Họ hoạt động rất lặng lẽ".
Tòa Trọng tài ngày 12/7 công bố phán quyết vụ Philippines kiện yêu sách "đường lưỡi bò" Trung Quốc, bác bỏ "quyền lịch sử" mà Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông. Trước khi tòa ra phán quyết, Trung Quốc đã không ngừng phát động chiến dịch truyền thông tại Washington, nhằm cố gắng thuyết phục các nhà hoạch định chính sách Mỹ rằng những tuyên bố chủ quyền của mình là hợp pháp, đồng thời lôi kéo Mỹ ủng hộ quan điểm bác bỏ phán quyết của tòa.
Nhiều người tại Bắc Kinh cho rằng Mỹ đang hiểu sai một cách căn bản các chính sách của Trung Quốc, hoặc đang ngả theo tư tưởng chống lại nước này. Giới chức Bắc Kinh tin rằng việc "giáo dục" cho người Mỹ về Trung Quốc bằng các hình thức khác nhau sẽ giúp cải thiện nhận thức của họ về nước mình. Và từ đó, Bắc Kinh tin rằng mình sẽ có được ảnh hưởng quốc tế lớn hơn. Đó là tiền đề để những cơ quan như ICAS ra đời trên đất Mỹ.
ICAS đi vào hoạt động tháng 4/2015 với một cuộc họp báo, trong đó công bố đoạn video được thu hình trước phỏng vấn cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger.
"Nhiệm vụ của tôi là gửi đi một thông điệp rõ ràng về các tuyên bố chủ quyền và chính sách của Trung Quốc" trên Biển Đông, bà Hong nói.
Tuy nhiên, Bắc Kinh hầu như không thể thu hút được sự ủng hộ của dư luận quốc tế cho những tuyên bố chủ quyền phi pháp của mình trên Biển Đông, bởi các căn cứ pháp lý của nước này để đòi chủ quyền bị xem là quá yếu ớt, và đã bị phán quyết của Tòa Trọng tài hoàn toàn bác bỏ.
"Tuyên bố của Trung Quốc rằng họ có thể phớt lờ phán quyết không chỉ sai mà còn không thể biện hộ được về mặt pháp lý", Julian Ku, một giáo sư luật tại Đại học Hosftra viết trên trang blog Lawfare.
Hoạt động yếu kém
Một lý do khác là Trung Quốc lâu nay hiểu sai về dư luận Mỹ cũng như cách thức các định chế hoạt động. Trong khi Bắc Kinh chỉ trích Washington không hiểu về Trung Quốc, thì nhiều cơ quan trong hệ thống của Trung Quốc lại rất mơ hồ về các định chế tại Mỹ, cũng như hệ thống cơ quan truyền thông liên quan. Trong bối cảnh đó, ICAS - một tổ chức với nhiệm vụ chính là thu hút sự chú ý của dư luận, tác động tới các nhà lập pháp, và tham gia vào các cuộc thảo luận tại Washington - chỉ có được ảnh hưởng rất hạn chế.
Bà Glaser không cho rằng ICAS là cơ quan gián điệp - lối lý giải thường thấy đối với một tổ chức của Trung Quốc chuyên thu thập và phát tán thông tin.
"Chắc chắn có người nghi ngờ rằng họ đang giữ một vai trò tình báo nào đó", bà Glaser nói, nhưng phần lớn người được hỏi, trong đó có các học giả, nhân viên trung tâm nghiên cứu, nhà quan sát Trung Quốc kết luận rằng ICAS chỉ đơn giản là hoạt động kém hiệu quả.
Nói cách khác, tổ chức này đang không thực hiện đúng những gì một cơ quan nghiên cứu nên làm, bao gồm tổ chức các sự kiện thảo luận lớn có sự tham gia của các học giả và chính trị gia tên tuổi, công bố những nghiên cứu có ảnh hưởng, và phản biện, cải thiện các chính sách của chính quyền.
Các học giả cho rằng các nghiên cứu của ICAS hiếm khi được phát hành, và họ chưa tổ chức một sự kiện lớn nào kể từ sau cuộc họp báo ra mắt. "Tôi không cho rằng họ có những hoạt động phức tạp ở thời điểm này", một học giả trong cộng đồng các nhà nghiên cứu chính sách Trung Quốc tại Washington nói.
Jim McGann, nhà sáng lập Chương trình Các Cơ quan Nghiên cứu và Tổ chức Xã hội Dân sự, Đại học Pennsylvania, cơ quan chuyên công bố bảng xếp hạng các tổ chức nghiên cứu khắp thế giới, cho rằng ICAS dường như "thiếu vốn và không thực sự có trọng tâm".
Ngay cả những người có phần ủng hộ ICAS cũng cảm thấy thất vọng với hoạt động của tổ chức này. "Tôi thấy hơi ngạc nhiên khi họ hoạt động lặng lẽ như vậy", một chuyên gia về Đông Nam Á tại một cơ quan nghiên cứu Mỹ cho biết. "Tôi từng cho rằng đây sẽ là một tổ chức chúng tôi cần làm việc cùng, hoặc tranh luận, nhưng họ chưa hề nhúc nhích, dù theo bất kỳ hướng nào".
ICAS trực thuộc Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia (NISCSS), có trụ sở tại đảo Hải Nam. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng ba, bà Hong cho biết ngân sách của ICAS mỗi năm chỉ là 800.000 USD, con số được tin là rất thấp. "Đôi khi các cuộc hội thảo có thể rất tốn kém", bà Hong chia sẻ.
Dù vậy, trong các cuộc tranh luận về vấn đề Biển Đông, ICAS đã thất bại. "Việc họ chỉ lặp lại những gì đã đăng trên Global Times (một phụ bản của People's Daily - cơ quan ngôn luận Đảng Cộng sản Trung Quốc) sẽ không đủ sức gây uy tín tại một nơi như Washington", Gordon Houlden, giám đốc Viện Trung Quốc tại Đại học Alberta, nhận xét.
Xem thêm: Trung Quốc nỗ lực 'mua chuộc' Mỹ trước thềm phán quyết Biển Đông
Phán quyết 'đường lưỡi bò' khoét sâu căng thẳng Mỹ - Trung
Hoàng Nguyên