Tại tọa đàm "Hà Nội hạn chế xe cá nhân" sáng 30/6, ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải (đại diện cơ quan soạn thảo đề án quản lý phương tiện cá nhân) cho biết, ban soạn thảo đã lấy ý kiến người dân về chủ trương hạn chế phương tiện, song không thể điều tra toàn diện thành phố mà chỉ tiến hành phương pháp chọn mẫu.
Cơ quan soạn thảo đã phối hợp với cảnh sát khu vực các phường trên 30 quận huyện, phát phiếu tới hơn 16.000 hộ dân, thu về 15.400 phiếu. Việc khảo sát tiến hành ngẫu nhiên người sử dụng xe máy và không sử dụng xe máy; từ học sinh đến người lao động, lao động tự do, người có hộ khẩu hoặc chỉ tạm trú.
Đơn vị lấy ý kiến cũng công bố mẫu phiếu ghi nhận thông tin về cá nhân, độ tuổi, hộ khẩu, sở hữu các phương tiện, thăm dò chuyến đi trong ngày. Người được hỏi bày tỏ quan điểm về nhu cầu sử dụng giao thông công cộng, đồng ý sử dụng khi có phương tiện công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại, quan điểm ủng hộ thành phố về hạn chế xe cá nhân và điều chỉnh thời gian làm việc.
Theo ông Lê Đỗ Mười, thống kê cho thấy, về quan điểm hạn chế phương tiện cá nhân khi có phương tiện công cộng thay thế, 84% số phiếu ủng hộ và 85% người dân từ vành đai 3 trở vào ủng hộ. Số không ủng hộ chiếm 16% lượng phiếu phát ra, từ vành đai 3 trở vào là 14%.
"Chúng tôi không khai man, không bốc thuốc. Cán bộ khảo sát đưa phiếu đến từng hộ gia đình chứ không gặp ngẫu nhiên ngoài đường. Chưa có đề án nào cụ thể như thế này", ông Mười nói và khẳng định trên mẫu phiếu có chữ ký của từng người được hỏi, của tổ trưởng tổ dân phố, cảnh sát khu vực.
Đại diện đơn vị soạn thảo cũng cho biết, thăm dò ý kiến người dân là một trong những kênh để cơ quan soạn thảo hoạch định chính sách, số người được hỏi chưa thể coi là đại diện số đông người dân thành phố. Hiện tại, phần lớn chuyên gia, nhà quản lý đã đồng tình với đề án, với mục tiêu đến năm 2030 dừng xe máy hoạt động.
"Hà Nội là một trong những thành phố đầu tiên làm đề án quản lý xe cá nhân, dư luận có nhiều ý kiến khiến chúng tôi rất vất vả xây dựng đề án", đại diện cơ quan soạn thảo giãi bày.
Làm rõ hơn lộ trình cấm xe máy vào nội đô, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết năm 2030 Hà Nội sẽ đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông công cộng, nhất là đường sắt đô thị nên đủ điều kiện dừng hoạt động xe máy.
Đề án sẽ mở rộng dần vùng hạn chế xe máy phù hợp với mạng lưới đường sắt đô thị, khi phương tiện công cộng đáp ứng 50-55% nhu cầu đi lại của người dân. Đây là mục tiêu định hướng cho người dân, doanh nghiệp chuẩn bị thay đổi kế hoạch đi lại. Đến năm 2030, HĐND thành phố căn cứ sự phát triển của hạ tầng để quyết định thời điểm dừng xe cá nhân.
"Chúng ta phải tạo thói quen đi lại của người dân từ xe cá nhân sang xe công cộng, hiện nay có 100m nhiều người cũng đi xe máy. Giảm xe cá nhân sẽ giúp xây dựng thành phố xanh sạch đẹp", ông Viện bày tỏ.
Về các phương pháp hạn chế xe cá nhân, đề án nêu hạn chế số lượng, thu phí, kiểm soát chất lượng khí thải, điều tiết phương tiện theo vùng. Cùng với đó là quy hoạch các điểm dừng đỗ xe buýt với khoảng cách 500 m, lựa chọn các loại xe buýt nhỏ 24 chỗ để đi vào đường hẹp với mục tiêu xe buýt đáp ứng 20-24% nhu cầu đi lại.
"Xe buýt nhỏ sẽ đi trong ngõ nhỏ, để trung chuyển người dân ra phố lớn rồi tiếp tục đi các tuyến khác, giá vé khoảng 7.000 đồng mỗi lượt rất rẻ so với taxi, xe ôm...", ông Vũ Văn Viện nêu ví dụ.
Mới đây, cơ quan soạn thảo đề án quản lý phương tiện cá nhân công bố trong hơn 15.000 phiếu khảo sát thu về ở 30 quận, huyện có hơn 90% người được hỏi ủng hộ đề án và lộ trình cấm xe máy, trên 71% ý kiến ủng hộ việc điều chỉnh giờ học giờ làm để giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, kết quả này nhận được nhiều phản hồi nghi ngờ về độ chính xác và cho rằng số ít người được hỏi không đại diện cho người dân Hà Nội.
Theo ông Lê Đỗ Mười, dù vận tải công cộng chỉ đáp ứng 7% ở Yangon (Myanmar), Yakarta (Indonesia), 15% ở Quảng Châu, 10% ở Côn Minh song chính quyền các thành phố này vẫn ban hành lệnh cấm xe máy. Đây là quyết tâm của lãnh đạo thành phố hạn chế xe cá nhân và dành nguồn vốn phát triển hành khách công cộng. GDP các thành phố Trung Quốc tăng từ 0,5 đến 1% sau khi dừng xe máy và giảm ô nhiễm môi trường. "Hà Nội không có chủ trương cấm xe máy vì sẽ được hiểu là hạn chế quyền sở hữu xe. Trong đề án quản lý phương tiện chỉ đề cập dừng hoạt động xe máy. Chính quyền có thể cho dừng tại một thời điểm nào đó khi hạ tầng, phương tiện công cộng đáp ứng, hoặc lại tiếp tục cho phép xe máy hoạt động khi thấy không đủ điều kiện", ông nói. |
Đoàn Loan