Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) cuối tháng 10 cho biết dự thảo luật giám sát quốc gia sẽ được quốc hội nước này thông qua vào năm sau để cho ra đời Ủy ban Giám sát Quốc gia (NSC). Giới quan sát cho rằng NSC sẽ là một cơ quan siêu quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng, theo NYTimes.
Cuộc chiến chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi" của ông Tập trong nhiệm kỳ đầu tiên đã điều tra, truy tố hàng triệu người, chủ yếu là các đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc. Khi luật giám sát quốc gia được thông qua vào tháng 3 năm sau, NSC sẽ trở thành công cụ đắc lực để chiến dịch của ông Tập vươn tới hàng triệu đối tượng bị nghi ngờ tham nhũng khác, kể cả các nhân viên làm việc tại các trường đại học hay công ty quốc doanh.
Công cụ chủ lực của ông Tập trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay là CCDI, vốn chỉ có quyền điều tra đối với 89 triệu đảng viên CPC. Trong khi đó, NSC sẽ là một cơ quan nhà nước có quyền lực rất lớn, có thể giám sát toàn bộ 62 triệu nhân viên trong biên chế của Trung Quốc, trong đó có rất nhiều người không phải là đảng viên.
Đến đầu năm 2018, các ủy ban giám sát sẽ được thành lập ở cấp tỉnh, thành phố và cấp huyện trên khắp Trung Quốc nhằm đảm bảo "mọi công chức viên chức thực thi quyền lực công" đều trở thành đối tượng bị giám sát. Chương trình giám sát thí điểm đã được thực thi ở Bắc Kinh, Sơn Tây và Chiết Giang từ đầu năm 2017.
Ủy ban mới "sẽ tăng cường sự lãnh đạo của đảng thông qua hình thức pháp trị", Fan Peng, chuyên gia nghiên cứu chính trị tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, viết trong một bài bình luận gần đây.
Theo Xinhua, Ủy ban Giám sát Quốc gia sẽ có mô hình tổ chức và trách nhiệm tương tự Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, nhưng với phạm vi quyền lực lớn hơn. Các điều tra viên thuộc NSC sẽ được phép bắt giam để thẩm vấn bất cứ cá nhân nào bị nghi ngờ dính líu đến tham nhũng, bao gồm những đối tượng bị tình nghi đưa và nhận hối lộ.
NSC sẽ được quyền bí mật giữ người để điều tra trong ba tháng và có thể gia hạn thời gian giam giữ thêm ba tháng, tương tự quy định "song quy" giam giữ người để điều tra được CCDI áp dụng với các đảng viên trước đây. Hình thức giam giữ mới này được gọi là "lưu giữ" (liuzhi), trong đó thời hạn giam giữ cũng như quyền gặp luật sư của đối tượng bị giam đều do NSC quyết định, theo SCMP.
"Điều này loại bỏ sự phân chia giữa đảng và nhà nước", Carl Minzner, giáo sư nghiên cứu về luật và chính trị Trung Quốc tại Đại học Fordham, nhận định. "Tôi cho rằng điều này thể hiện sự hấp thụ một phần hệ thống luật pháp của các cơ quan đảng".
Dự thảo luật giám sát quy định rõ rằng hoạt động của NSC sẽ không bị điều chỉnh bởi Luật Tố tụng Hình sự, vốn cho phép nghi phạm được quyền tiếp xúc với luật sư trong các vụ việc liên quan đến cảnh sát, công tố viên hay tòa án.
Lưu Kiến Siêu, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh Chiết Giang, cho rằng "lưu giữ" là biện pháp cần thiết để các cuộc điều tra chống tham nhũng phát huy hiệu quả.
"Nếu anh ta là đảng viên, chúng tôi vẫn phải gọi anh ta là đồng chí trong quá trình lưu giữ", ông Lưu nói. "Đây không phải là tạm giữ hình sự nhưng nó hiệu quả hơn. Anh ta có thể được gặp luật sư sau khi được bàn giao cho cơ quan công tố".
Ông Lưu cho biết quá trình phê chuẩn quyết định "lưu giữ" sẽ khắt khe hơn so với "song quy" và biện pháp này chỉ được áp dụng nếu đối tượng bị điều tra có nguy cơ tự tử, thông đồng hoặc có các hành động gây ra hậu quả ngoài mong muốn khác.
Tuy nhiên, dự thảo luật giám sát cũng nói rằng biện pháp "lưu giữ" không cần sự phê chuẩn của viện kiểm sát giống như lệnh tạm giữ của cơ quan công an, hay sự đồng ý của bất cứ cơ quan nào khác ngoài NSC.
Các học giả về luật pháp Trung Quốc cho rằng không chỉ tăng thêm đối tượng bị điều tra, luật giám sát còn mở rộng định nghĩa về hành vi tham nhũng, bao gồm việc đưa hối lộ cho quan chức chính quyền, giám đốc các tập đoàn nhà nước, thẩm phán, bác sĩ, giáo sư và bất cứ người nào trong biên chế nhà nước Trung Quốc.
"Khái niệm lưu giữ là sự mở rộng đáng kể của song quy áp dụng với các đối tượng không phải là đảng viên, giới hạn quyền được bảo vệ của họ theo Luật Tố tụng Hình sự trong quá trình điều tra", Lester Ross, luật sư tại văn phòng hãng luật WilmerHale ở Bắc Kinh, nhận xét về quyền lực của NSC. "Điều này có thể gây lo ngại cho nhiều người dân Trung Quốc cũng như công dân nước ngoài làm việc ở đây và nhân viên của họ".
Gây tranh cãi
Dù luật giám sát chưa được thông qua, quyền lực mà luật này trao cho NSC đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận Trung Quốc, khi nhiều học giả, chuyên gia lo ngại rằng NSC sẽ "vượt trên luật pháp".
Jiang Mingan, giáo sư luật tại Đại học Peking, cho rằng việc hạn chế quyền tiếp xúc với luật sư của đối tượng bị lưu giữ là cần thiết để phục vụ điều tra, nhưng ông tỏ ra quan ngại về nguy cơ hệ thống này bị lạm dụng.
"Tôi cho rằng việc giam giữ đối tượng bị tình nghi đưa hối lộ cần phải rất thận trọng và các yêu cần đưa ra để áp dụng biện pháp này cần phải cao hơn", Jiang nói. "Các điều tra viên cần phải đưa ra được nhiều bằng chứng trước khi lưu giữ đối tượng và tôi cho rằng điều này cần được bổ sung vào luật".
Giáo sư Jiang cũng cho rằng dự thảo luật giám sát còn một số lỗ hổng, chẳng hạn như sự thiếu rõ ràng trong quy trình phê chuẩn biện pháp lưu giữ cũng như việc ngăn cản biện pháp "cấm ngủ" vốn được nhiều điều tra viên áp dụng để gây sức ép buộc đối tượng bị giam phải nhận tội. Ông nói rằng trong trường hợp bị giam oan, người bị giam có thể đệ đơn kiện cơ quan công an hay viện kiểm sát, nhưng hiện chưa có cơ sở pháp lý nào để họ kiện NSC.
Một số chuyên gia thì lo ngại về cơ chế kiểm soát quyền lực của NSC. Theo dự thảo luật giám sát, NSC có quyền ra lệnh cho cơ quan công an công bố thông tin nghi phạm, cấm nghi phạm đi khỏi nơi cư trú và sử dụng các biện pháp công nghệ như nghe lén để hỗ trợ điều tra. Trong hệ thống chính trị Trung Quốc, NSC cũng có vị thế cao hơn cơ quan công an, khi người đứng đầu ủy ban này nhiều khả năng sẽ là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Triệu Lạc Tế, chủ nhiệm CCDI hiện nay.
"Cơ quan công an vốn đã có địa vị khá lớn trong hệ thống chính trị Trung Quốc. Với người đứng đầu là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, vị thế của NSC thậm chí còn cao hơn cả công an. Quyền lực giám sát của họ còn bao trùm cả các thẩm phán và công tố viên. Tôi lo ngại rằng sẽ không có những biện pháp kiểm soát hiệu quả quyền lực của họ", Shi Pengpeng, giáo sư luật tại Đại học Luật và Khoa học Chính trị Trung Quốc, nhận định.
Trí Dũng