PNJ tăng giá liên tục từ đầu năm 2013 tới nay, chạm mức 41.600 đồng một cổ phiếu vào ngày 11/6. Qua tháng 7, khi những tin tức tiêu cực đầu tiên về Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) được phát đi, cổ phiếu này có xu hướng đi xuống nhẹ. Đà giảm kéo dài từ đầu tháng 8 tới nay, cùng trong xu hướng rung lắc của toàn thị trường và chịu ảnh hưởng bởi biến cố DongA Bank vào diện kiểm soát đặc biệt, khiến PNJ về sát 30.300 đồng trong phiên giao dịch ngày 17/8.
Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận là một trong những cổ đông đầu tiên tham gia thành lập DongA Bank, hiện còn sở hữu 38,5 triệu cổ phiếu của ngân hàng, với giá trị sổ sách 395 tỷ đồng. Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên sau khi có tin xấu DongA Bank bị kiểm soát đặc biệt, cổ phiếu công ty giảm sàn - điều hiếm gặp ở PNJ, nối dài chuỗi giảm điểm lên 4 phiên liên tiếp. Đà bán mạnh khiến lượng cổ phiếu hãng trang sức giao dịch hôm qua cũng tăng đột biến, lên mức hơn 256.000 đơn vị, tổng giá trị 7,8 tỷ đồng, trong khi khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất chỉ hơn 35.700 cổ phiếu.
Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo của PNJ thừa nhận, việc cổ phiếu của công ty đi xuống mạnh có thể do tác động phần nào từ những thông tin bất lợi trước đó về việc Ngân hàng Đông Á bị kiểm soát đặc biệt. Bản thân công ty cũng đang đứng trước nguy cơ phải trích lập dự phòng lớn đối với khoản đầu tư này.
Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung chia sẻ, là nhà kinh doanh và đầu tư tài chính, công ty luôn dự phòng những tình huống rủi ro xấu nhất có thể xảy ra để có phương án trích lập dự phòng theo đúng giá thị trường của các cổ phiếu đầu tư, trong đó có DongA Bank, nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của cổ đông.
Trong nửa đầu năm 2015, PNJ đã trích lập dự phòng 45 tỷ cho danh mục này nhưng không công bố cụ thể là trích lập cho cổ phiếu nào và tổng mức trích lập dự phòng lũy kế là 55 tỷ đồng.
Mặt khác, bà Dung nhấn mạnh, từ năm 2012, PNJ đã nỗ lực để thoái vốn khỏi những khoản đầu tư ngoài ngành nhằm nhất quán với mục tiêu đã được thông báo với các cổ đông. Những khoản đầu tư chính bao gồm: Gas Đại Việt, Công ty cổ phần nhiên liệu Sài Gòn, Sài Gòn Food…
Cổ phiếu PNJ của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (Mã CK: PNJ) chào sàn ngày 23/3/2009 giữa lúc thị trường chứng khoán lao dốc từ mức đỉnh hơn 1.167 điểm hồi tháng 2/2007 về còn 260 điểm tháng 3/2009. PNJ đã gây bất ngờ cho giới đầu tư thời điểm bấy giờ với giá tham chiếu ngày đầu tiên giao dịch là 38.000 đồng, làm lu mờ hàng loạt các mã blue-chips trên sàn HOSE lúc đó. Kết thúc phiên này, cổ phiếu tăng hết biên độ 20%, tương đương tăng 7.600 đồng lên mức 45.600 đồng.
Với vị thế là doanh nghiệp kinh doanh trang sức duy nhất niêm yết trên sàn, giá của PNJ không bị trồi sụt quá mạnh, chủ yếu nằm trong khoảng 30.000 - 40.000 đồng. Kể cả trong giai đoạn 2012 - 2013, thị trường vàng chứng kiến nhiều "sóng gió" nhưng cổ phiếu này vẫn giữ phong độ, một phần do không còn nhiều room.
Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu 49% cổ phần PNJ, trong khi lãnh đạo công ty và gia đình (trừ những cá nhân đại diện phần khối ngoại) nắm gần 19,5 triệu cổ phiếu, tương đương 20% vốn. Trước năm 2012, PNJ cùng SJC, Bảo Tín Minh Châu là 3 ông lớn thống lĩnh thị trường, nhưng kể từ khi Nghị định 24 ngày 3/4/2012 có hiệu lực, PNJ không còn được sản xuất vàng miếng, khiến doanh thu từ mảng này năm 2012 chỉ bằng một phần ba so với năm 2011. Ngoài ra, do thuế xuất khẩu cao nên hầu như năm 2012 công ty không thực hiện xuất khẩu vàng 24K. Đến năm 2013, sự thay đổi chính sách của Nhà nước cộng với giá vàng thế giới lao dốc tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp.
Năm 2012, lợi nhuận hợp nhất của công ty giảm 3 tỷ đồng so với năm 2011, hoàn thành 96% kế hoạch. Sang năm 2013, chỉ tiêu này giảm tiếp 34% so với cùng kỳ và bằng 82% mục tiêu đề ra.
Thời điểm rủi ro này cũng là cơ hội để công ty tái cấu trúc, tập trung vào mảng kinh doanh đồ trang sức bằng việc đưa nhà máy gia công nữ trang vào hoạt động, mở rộng mạng lưới phân phối. Từ năm 2014 đến nay, tình hình kinh doanh của PNJ khởi sắc trở lại, năm 2014 đạt hơn 255 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 50% so với năm 2013. Sáu tháng đầu năm 2015, doanh nghiệp lãi hơn 175 tỷ đồng, tăng 20%.
Song, bức tranh tài chính PNJ nhiều năm qua vẫn bị đánh giá còn "mắc lỗi" ở các khoản đầu tư ngoài ngành, ảnh hưởng đến chi phí dự phòng rủi ro. Cuối năm 2012, công ty có 781 tỷ đồng đầu tư tài chính vào các công ty, lớn nhất là Ngân hàng Đông Á với 395 tỷ, tiếp đến là lĩnh vực bất động sản, khách sạn… Nhận định được rủi ro, từ năm 2014, PNJ cố gắng thoát hết vốn khỏi các khoản đầu tư này, song tình hình rất chậm. Đến nay, công ty mới giảm được khoản đầu tư tài chính về 487 tỷ đồng và chấp nhận phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn hàng chục tỷ đồng mỗi năm (riêng 6 tháng năm 2015 công ty trích hơn 55 tỷ đồng).
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, kể từ 2012 trở đi, PNJ đã không tăng thêm bất kỳ khoản đầu tư nào vào Ngân hàng Đông Á mà thay vào đó là tập trung 100% vào mảng cốt lõi trang sức. Và công ty này đã đạt được những kết quả nhất định từ việc tập trung này khi tăng trưởng thị phần từ 12% vào năm 2012 lên 22% trong quý I/2015, đưa PNJ trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường trang sức vàng của Việt Nam.
Trong những tháng đầu năm nay, mặc dù phải trích lập dự phòng lớn nhưng lợi nhuận trước thuế 6 tháng qua của PNJ vẫn tăng 23% so với cùng kỳ 2014, từ 185 tỷ lên 227 tỷ đồng. Theo kế hoạch, PNJ đặt mục tiêu 388 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho năm 2015.
Phương Linh - Hoài Thu