-
17h20
'HoSE đang tìm nguyên nhân sự cố’
Trong thông cáo phát ra chiều 9/6, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) cho biết sự cố hệ thống giao dịch không thể khớp lệnh xác định giá đóng cửa đã ảnh hưởng đến tất cả lệnh và mã chứng khoán niêm yết trong phiên ATC.
Đại diện HoSE cho biết Sở vẫn đang xác định nguyên nhân, tích cực khắc phục sự cố và từ chối bình luận về khả năng thị trường tạm ngừng giao dịch trong phiên 10/6. Trước đó, sau sự cố tương tự vào cuối tháng 1/2018, HoSE tạm ngừng giao dịch hai phiên liên tiếp để xử lý và kiểm tra với các công ty chứng khoán thành viên toàn thị trường.
Theo quy chế giao dịch, HoSE thông báo tạm ngừng giao dịch và hủy đợt giao dịch khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa phiên 9/6. Giá đóng cửa của chứng khoán là giá khớp lệnh cuối cùng trong ngày.
-
15h15
Không khớp được lệnh ATC
Đã quá thời gian chốt phiên nhưng bảng giá các công ty chứng khoán không thể xác định giá đóng cửa của cổ phiếu trên HoSE. Ở thời điểm trước ATC, VN-Index và VN30-Index đang lùi nhẹ dưới tham chiếu.
Trao đổi với VnExpress, đại diện HoSE cho biết đang xác minh các vấn đề liên quan đến hệ thống giao dịch.
Hiện tại, website của HoSE cũng không thể truy cập.
Theo một số công ty chứng khoán, HoSE hiện vẫn chưa gửi thông báo đóng cửa thị trường. Lệnh giao dịch vẫn đặt được trên hệ thống và chuyển tiếp đến Sở, tuy nhiên những lệnh sau 14:44:58' không nhận được xác nhận từ hệ thống Sở. Hiện hệ thống các công ty chứng khoán vẫn chưa nhận được giá chốt phiên ATC.
Lần gần nhất HoSE xảy ra tình trạng này là phiên giao dịch ngày 22/1/2018. Theo thông báo của Sở khi đó, giá đóng cửa của chỉ số VN-Index ngày 22/1 được xác định là giá khớp lệnh cuối cùng trong ngày.
Theo quy chế của HoSE, ATC là lệnh đặt mua hoặc bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa. Lệnh này được nhập vào hệ thống trong thời gian khớp lệnh định kỳ để xác định giá đóng cửa (từ 14h30 đến 14h45). Sau thời điểm xác định giá đóng cửa, lệnh không được thực hiện hoặc phần còn lại của lệnh không được thực hiện hết sẽ tự động bị hủy.
-
14h35
Hơn 1.000 tỷ đồng sang tay thoả thuận
Giao dịch thoả thuận trên sàn TP HCM tiếp tục sôi động khi có hơn 51 triệu cổ phiếu được sang tay tính đến 14h30, trị giá 944 tỷ đồng. Đóng góp phần lớn trong số này là giao dịch chứng chỉ quỹ FUEVFVND của nhà đầu tư nước ngoài vào đầu phiên sáng trị giá 150 tỷ đồng. Phần còn lại vào buổi chiều đến từ các lệnh mua bán HSG, TCB, EIB và KDC.
-
14h00
Giằng co mạnh
Nhịp giao dịch chững lại vào giữa phiên chiều khi sắc đỏ dần chiếm ưu thế. VN-Index thu hẹp đà tăng về gần 900 điểm trong khi VN30-Index giảm nhẹ dưới tham chiếu. Số mã giảm trên HoSE bắt đầu vượt qua số mã tăng khi áp lực chốt lời tăng nhanh. Riêng nhóm VN30, 17/30 mã vốn hóa lớn giảm giá.
-
13h40
Khối ngoại bán ròng hơn 6 triệu cổ phiếu HPG
Lực bán của nhà đầu tư nước ngoài tăng nhanh, trong đó HPG là một trong những mã bị bán mạnh nhất. Đến 13h40, khối ngoại bán ra hơn 6,2 triệu cổ phiếu HPG trong khi mua vào chỉ hơn 100.000 đơn vị. Tuy nhiên, xét chung toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang mua ròng hơn 40 tỷ nhờ dòng tiền tập trung vào chứng chỉ quỹ ETF VFMVN DIAMOND.
-
11h30
VN-Index trụ vững trên 900 điểm
Sau nhịp giao dịch giằng co mạnh đầu phiên, thị trường phục hồi trở lại ngưỡng 900 điểm và thu hẹp biên độ. Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 0,41% lên 903,57 điểm. VN30-Index tăng 0,31% lên 841,09 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index giao dịch gần tham chiếu.
Sắc xanh vẫn chiếm ưu thế nhưng không áp đảo như phiên 8/6. Sàn HoSE đến cuối phiên sáng có 185 mã tăng, 56 mã đứng tham chiếu và 177 mã giảm. Trong nhóm VN30, số mã tăng - giảm giữ tỷ lệ 15:13. Thanh khoản hai sàn niêm yết đạt hơn 4.800 tỷ đồng.
Trong nhóm vốn hóa lớn, POW dẫn đầu với biên độ tăng 4,7%, BVH tăng 3,8%, EIB, VJC tăng hơn 2%, HDB, SBT tăng 1,6%. Ở chiều ngược lại, VRE, CTG giảm 1,6%, HPG, CTD giảm 1,4%.
-
11h00
Cổ phiếu ngân hàng phân hoá mạnh
BID là cổ phiếu duy nhất trong nhóm ngân hàng đứng giá, nhưng lại dẫn đầu danh sách 10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến thị trường khi lấy của VN-Index 0,4 điểm.
Các cổ phiếu còn lại trong nhóm này chia ra hai thái cực rõ rệt. Bên tăng gồm EIB, HDB, VCB... với biên độ từ 0,7% trở lên. Ngược chiều là CTG, VPB và TPB cùng mất hơn 0,5% so với tham chiếu.
-
10h30
Cổ phiếu hàng không đồng loạt tăng
Giữa lúc thị trường dao động dè dặt qua vùng 900 điểm thì nhóm hàng không đồng loạt bật mạnh, trở thành lực kéo quan trọng trong phiên sáng. HVN tăng đến 5,6% lên 30.350 đồng và khớp lệnh hơn 1,5 triệu đơn vị. ACV, VJC, SGN đều tăng trên 1,5% so với tham chiếu.
Theo nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam, thông tin tỉnh Đồng Nai đã giải ngân hơn 1.200 tỷ đồng phục vụ việc thu hồi đất, bồi thường cho dự án sân bay Long Thành là nhân tố tác động đề xu hướng lên nhanh của nhóm hàng không. Bên cạnh đó, một số bộ ngành và hiệp hội đề xuất các phương án kích cầu du lịch, mở lại đường bay quốc tế... cũng gia tăng triển vọng kinh doanh trong những tháng cuối năm cho các doanh nghiệp hàng không và phụ trợ hàng không.
-
9h45
Khối ngoại áp đảo tuyệt đối
Nhà đầu tư nước ngoài tích cực gom chứng chỉ quỹ FUEVFVND ngay đầu phiên với giá dưới tham chiếu, qua đó đóng góp lớn cho việc duy trì trạng thái mua ròng trên sàn TP HCM với hơn 155 tỷ đồng.
Đây là phiên mua ròng thứ hai liên tiếp của khối ngoại. Theo nhận định của một số công ty chứng khoán, động thái này giúp dòng tiền trong và ngoài cân bằng trở lại. Trước đó, nhiều nhà đầu tư cá nhân trong nước mới tham gia thị trường dẫn đến dòng tiền vào ồ ạt, làm suy yếu tác động của giao dịch khối ngoại đến diễn biến của VN-Index.
-
9h30
VN-Index đảo chiều nhanh
Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM bật mạnh lên sát vùng 905 điểm sau phiên ATO, nhưng sau đó nhanh chóng đảo chiều khi lực chốt lời xuất hiện rõ nét. VN-Index đang giảm hơn 1 điểm và mất mốc 899 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng về bên cầm cổ phiếu với gần 200 mã giao dịch dưới tham chiếu, trong đó rổ vốn hoá lớn đóng góp 19 mã. VIC, VCB và VJC đang là trụ đỡ cho thị trường dù biên độ tăng chỉ khoảng 0,1-0,4%.
Thanh khoản vẫn dồi dào với 122 triệu cổ phiếu được sang tay trong vòng 30 phút đầu phiên.