Phiên điều trần về đề xuất của chủ nợ nhằm thanh lý tài sản China Evergrande Group hôm 4/12 đã được hoãn sang ngày 29/1 năm sau. Việc này sẽ cho phép hãng bất động sản Trung Quốc có thêm thời gian hoàn tất đề xuất tái cấu trúc nợ.
Thông tin này giúp cổ phiếu Evergrande sáng nay tăng hơn 13% trên sàn Hong Kong. Từ đầu năm, mã này đã giảm hơn 20%.
Các luật sư của Evergrande đã nỗ lực tìm cách hoãn phiên tòa. Họ cho biết không có chủ nợ nào "đang tích cực yêu cầu" thanh lý tài sản.
Đây là lần thứ hai phiên điều trần được hoãn lại. Việc này lẽ ra phải diễn ra từ ngày 30/10.
Evergrande hiện là công ty nặng nợ nhất thế giới, với hơn 300 tỷ USD. Họ vỡ nợ quốc tế cuối năm 2021 và trở thành ví dụ điển hình cho cuộc khủng hoảng tại thị trường bất động sản Trung Quốc. Tính đến cuối tháng 6, tài sản của Evergrande là 240 tỷ USD.
Evergrande đang phải vạch ra kế hoạch tái cấu trúc 23 tỷ USD nợ nước ngoài. Việc này diễn ra trong bối cảnh công ty liên tiếp gặp rắc rối. Hui Ka Yan - Chủ tịch kiêm nhà sáng lập của hãng bị điều tra "vì tình nghi phạm pháp". Tháng 9, Evergrande cũng thông báo không thể phát hành nợ mới để hoán đổi nợ cũ, do Hengda Real Estate Group - chi nhánh chính của hãng tại Trung Quốc - đang bị điều tra.
Tuần trước, Evergrande ráo riết sửa đổi kế hoạch tái cấu trúc để tránh bị tòa án yêu cầu thanh lý tài sản. Quyết định hôm nay của tòa án gây ngạc nhiên cho ngân hàng đầu tư Moelis & Co - cố vấn cho một nhóm chủ nợ nước ngoài của Evergrande. Moelis cho biết nhóm chủ nợ vẫn chưa hài lòng với kế hoạch tái cấu trúc mới nhất mà Evergrande đưa ra và họ vẫn sẽ thúc đẩy việc thanh lý nếu các điều khoản không thay đổi.
Luật sư của Evergrande cho biết trước tòa án rằng họ sẽ "trau chuốt lại" đề xuất tái cấu trúc trong 5 tuần tới. Thẩm phán cũng đề nghị hãng địa ốc này trao đổi trực tiếp với "các cơ quan liên quan" về việc sửa đổi.
Bất động sản vẫn đang là cơn đau đầu của giới chức Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế này chững lại. Doanh số bán nhà đang chậm lại. Việc xây dựng hàng trăm nghìn căn nhà cũng đang dang dở.
Giới chức Trung Quốc đã tung hàng loạt chính sách để hồi sinh lĩnh vực địa ốc và bình ổn thị trường trong vài năm qua. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá các chính sách này chưa có tác động đáng kể.
Hà Thu (theo Reuters)