"Công ty đã nhận được thông tin từ các cơ quan liên quan, rằng ông Hui Ka Yan đang phải tuân thủ các biện pháp bắt buộc theo luật, do bị tình nghi có các hành vi phạm pháp", thông báo của Evergrande viết.
Evergrande không cho biết liệu Hui Ka Yan có tiếp tục điều hành công ty hay không, hoặc các tội danh mà ông bị điều tra là gì. Trước đó, cổ phiếu Evergrande đã bị ngừng giao dịch sau thông tin Hui bị cảnh sát giám sát.
Tin tức trên cho thấy đây là lần đầu tiên giới chức Trung Quốc buộc Hui chịu trách nhiệm về tình hình tài chính của Evergrande. Từng là hãng bất động sản hàng đầu Trung Quốc, Evergrande giờ chỉ được biết đến là công ty nặng nợ nhất thế giới, với hơn 300 tỷ USD.
Evergrande là ví dụ điển hình cho khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc. Các hãng địa ốc nước này gặp khó từ giữa năm 2021. Nguyên nhân được cho là chính sách "ba lằn ranh đỏ" của Bắc Kinh, được tung ra nhằm giảm rủi ro hệ thống bằng cách hạn chế khả năng vay mới của các công ty bất động sản. Evergrande thiệt hại nặng nhất, do lạm dụng đòn bẩy tài chính để phát triển dự án và kinh doanh đa ngành.
Bất động sản hiện đóng góp 25% GDP Trung Quốc. Khủng hoảng trong lĩnh vực này vì thế đang đe dọa các nỗ lực kích thích kinh tế của Bắc Kinh, đồng thời làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng lan truyền sang hệ thống ngân hàng nước này.
Gary Ng - nhà kinh tế học cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis cho biết trên Reuters rằng chưa rõ vì sao Hui bị cảnh sát giám sát. Diễn biến này đã xóa tan hy vọng về tái cấu trúc tại Evergrande. Ở Trung Quốc, hiện không có doanh nghiệp địa ốc nào thuộc trường hợp 'quá lớn để có thể sụp đổ' - tức đây là một bộ phận vô cùng quan trọng với nền kinh tế và sẽ là thảm họa nếu chúng phá sản.
"Vì thế, khả năng cứu trợ toàn diện là rất khó. Dù vậy, nếu vấn đề đe dọa sự ổn định trong nước, giới chức Trung Quốc sẽ tìm cách tác động", Gary Ng nói.
Evergrande vẫn đang nỗ lực thuyết phục các chủ nợ đồng ý kế hoạch tái cấu trúc nợ quốc tế. Quá trình trên càng phức tạp khi tuần này, Evergrande thông báo không thể phát hành nợ mới để hoán đổi. Nguyên nhân là Hengda Real Estate Group - chi nhánh chính của hãng tại Trung Quốc - đang bị điều tra.
Một số nhà phân tích cho rằng kế hoạch này đang bế tắc và rủi ro Evergrande phải thanh lý tài sản đang tăng lên. Reuters đầu tuần này đưa tin một nhóm chủ nợ lớn của Evergrande lên kế hoạch yêu cầu tòa án bán tài sản của hãng, nếu hãng này không thể đưa ra kế hoạch tái cấu trúc nợ mới trong tháng 10.
Caixin hôm 25/9 cũng cho biết Xia Haijun, cựu CEO Evergrande và Pan Darong - cựu giám đốc tài chính - đang bị giới chức điều tra.
Hà Thu (theo Reuters)