- Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo với các chính sách hiện hành, đến năm 2034 Quỹ bảo hiểm xã hội của Việt Nam có nguy cơ bị vỡ do mất cân đối thu chi. Bà bình luận thế nào về điều này?
- Trong báo cáo của tôi trước Quốc hội về vấn đề thu chi, tôi cũng nói rõ chúng ta đang gặp vấn đề tăng thu và giảm chi dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội. Nhưng nếu chúng ta điều chỉnh sách thì nguy cơ vỡ quỹ sẽ không xảy ra như thời điểm dự kiến mà sẽ kéo dài hơn.
Ví dụ chúng ta đưa ra mức ngưỡng đóng tiền lương hưu hợp lý, tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian đóng bảo hiểm. Mở rộng nhóm tham gia bảo hiểm xã hội là những người lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn dưới 3 tháng; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Chúng ta cũng có thể đưa ra chính sách đóng bảo hiểm tự nguyện có sự hỗ trợ Nhà nước. Lực lượng người than gia đông thì thời gian dự báo vỡ quỹ sẽ kéo dài hơn.
- Bà đánh giá thế nào về công tác quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội khi quỹ có nguy cơ mất hàng trăm tỷ đồng vì cho công ty cho thuê tài chính 2 vay?
- Quản lý quỹ bảo hiểm hiện nay thu chi theo luật. Tuy nhiên, đúng là một số trường hợp như cho công ty tài chính 2 vay gây ra ảnh hưởng phần nào đó trong quỹ. Còn nếu thực hiện thu chi theo đúng luật thì quỹ sẽ rất an toàn. Bởi Quỹ bảo hiểm chỉ được đầu tư vào các ngân hàng Nhà nước, trái phiếu Chính phủ và chưa được đầu tư vào các dự án công trình lớn. Các mức sinh lời cho quỹ thấp nhưng an toàn.
Chúng tôi đề xuất định kỳ 3 năm Chính phủ phải báo cáo trước Uỷ ban thường vụ quốc hội và Thường vụ sẽ quyết định chi phí quản lý quỹ bảo hiểm xã hội ở mức độ nào là hợp lý. Bảo hiểm xã hội phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách bộ máy hành để giảm chi phí. Chi phí quản lý quỹ phải lấy từ quá trình sinh lời, dứt khoát không lấy từ tiền đóng góp của người lao động cũng như doanh nghiệp.

Bà Trương Thị Mai: Chúng tôi muốn thiết lập sàn lương hưu tối thiểu. Ảnh: Hoàng Lan
- Bộ Lao động thương binh xã hội cho rằng cần ráo riết thực hiện công tác thu nợ trong đó nhấn mạnh vào việc xây dựng lực lượng thanh tra chuyên ngành. Tính khả thi của đề xất này ra sao thưa bà?
- Nếu chỉ giao cho ngành lao động thanh tra công tác bảo hiểm xã hội thì tôi cũng xin nói thực là bất khả thi. Bởi bấy lâu nay ngành lao động cũng thanh tra nhưng lực lượng lao động rất mỏng. Thêm vào đó, cơ quan này phải thanh tra tất cả các chính sách cấp bậc liên quan chứ không riêng về vấn đề bảo hiểm bởi vậy nên không đủ điều kiện thực hiện.
Nếu Quốc hội quan tâm, dành cho bảo hiểm xã hội có chức năng thanh tra hoặc bổ sung thêm thẩm quyền thì với một bộ máy hơn 20.000 công nhân viên và thành lập bộ phận tranh tra riêng thì chúng ta có cơ hội nhiều hơn bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Khi có một bộ máy trực tiếp thanh tra thì sẽ thanh tra được thường xuyên và việc thực thi sẽ tốt hơn.
- Quan điểm của bà thế nào trước đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để cứu Quỹ bảo hiểm xã hội?
- Điều 187 bộ Luật lao động đã cho phép tăng tuổi nghỉ hưu đối với nhóm quản lý, chuyên môn kỹ thuật. Bên cạnh đó, Bộ luật lao động cho phép người lao động trong môi trường độc hại ô nhiễm, địa bàn khó khăn được giảm tuổi nghỉ hưu. Thời gian tăng hoặc giảm trong phạm vi 5 tuổi. Chúng ta có thể thực hiện theo Bộ luật lao động. Chính phủ hiện nay đề xuất là tăng tuổi nghỉ hưu.
Thực ra bây giờ là chúng ta lựa chọn cách đi thôi. Chúng tôi chọn cách đi theo Bộ luật lao động mới thông qua. Tôi ủng hộ phương án tăng tuổi nghỉ hưu những phải có lộ trình phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội. Mỗi năm người hưởng lương hưu có khoảng 300.000-400.000 người, nhưng có tới 1 triệu lao động trẻ. Rõ ràng chúng ta đang trong thời kỳ cơ cấu lực lượng lao động đang cao hơn tỷ lệ phụ thuộc. Đến lúc nào hai tỷ lệ này bằng nhau thì dứt khoát phải tăng tuổi nghỉ hưu.
- Quỹ bảo hiểm hụt thu vì nhiều doanh nghiệp viện cớ kinh tế khó khăn để chây ì việc đóng bảo hiểm, theo bà cần có giải pháp gì để tránh hiện tượng này?
- Những vấn đề liên quan đến nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, chúng ta sẽ phải xem xét trong từng trường hợp cụ thể. Có những trường hợp lợi dụng, có trường hợp do khách quan tác động. Trong luật bảo hiểm xã hội sửa đổi chúng tôi tăng cường thêm xử lý trách nhiệm doanh nghiệp trong việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Chúng tôi đề nghị Bộ luật hình sự sửa đổi phải quy định tội chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội. Việc tăng chế tài đã được thảo luận nhiều lần nhưng hiện nay mới chỉ xử phạt hành chính. Bộ luật hình sự sắp tới trình ra cần nghiên cứu bổ sung một số tội để nâng tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp. Còn đối với trường hợp khách quan do kinh tế khó khăn thì luật cũng nên có những quy định cụ thể để xử lý đúng mức.
- Trong quá trình thẩm tra dự án Luật bảo hiểm xã hội, điều trăn trở lo lắng nhất của bà đối với quyền lợi của người lao động cũng như doanh nghiệp là gì?
- Đây là chính sách an sinh dài hạn. Các cơ quan nhà nước phai đảm bảo cho việc thực thi đúng pháp luật. Trong sửa đổi luật lần này, chúng ta sẽ giao sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, không giao cho doanh nghiệp hay cơ quan bảo hiểm nữa. Điều này sẽ giúp người ta đi làm biết mình đóng bảo hiểm bao nhiêu năm, nếu tiền lương hưu không đủ thì có thể cầm sổ đó giải quyết với các cơ quan quản lý xã hội. Khi giao sổ, người lao động có thể khởi kiện doanh nghiệp ra toà nếu thấy bất ổn. Người lao động sẽ tự bảo đảm an sinh cho mình không phó thác cuộc đời mình cho Nhà nước, cũng như cho doanh nghiệp.
Chúng tôi muốn thiết lập một sàn là sàn lương hưu tối thiểu. Trong quá trình đóng bảo hiểm xã hội có lao động phổ thông với mức đóng rất thấp vì vậy lương hưu thấp. Nếu người ta rớt dưới sàn lương hưu tối thiểu thì Nhà nước sẽ hỗ trợ cấp để họ có đủ mức sống tối thiểu. Như vậy mới gọi là an sinh. Bởi nếu chỉ tham gia đóng bảo hiểm thôi chưa đủ. Tôi cho rằng đã là an sinh, lương phải cao hoặc ít nhất phải cho người ta sống tối thiểu. Việc thiết lập sàn lương hưu tối thiểu là cái để giải quyết để đảm bảo điều đó.
Theo Uỷ ban các vấn đề về xã hội: Đến hết năm 2013, số nợ bảo hiểm xã hội là 4.752 tỷ đồng, bằng 4,3% tổng số phải thu. Nợ bảo hiểm thất nghiệp là là 308 tỷ đồng, bằng 2,9% tổng số phải thu. Trong năm 2013, có 521 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng trở lên với tổng số nợ là 1.611,7 tỷ đồng, chiếm 34% tổng số nợ BHXH. Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay, hiện quỹ bảo hiểm ngắn hạn (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp) kết dư rất lớn. Cụ thể, Quỹ ốm đau và thai sản năm 2013 kết dư lũy kế hơn14.700 tỷ đồng, Quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp kết dư lũy kế bằng 16.200 tỷ đồng, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 31.642 tỷ đồng. |
Hoàng Lan