Trước hết, chúc mừng bạn đã có số vốn đáng kể để đầu tư. Tuy nhiên, trước khi quyết định phân bổ, bạn cần xem xét kỹ các yếu tố về mục tiêu và khả năng chịu rủi ro.
Dựa trên chia sẻ, tôi thấy bạn không phải là người có khẩu vị rủi ro quá cao, do đó cần tránh những khoản đầu tư quá biến động. Bạn chưa đề cập đến thu nhập hàng tháng và nguồn tiền bổ sung, đây là yếu tố quan trọng để xác định chiến lược đầu tư phù hợp. Hiện tại, bạn đã đầu tư hơn 50% vào chứng khoán (chứng chỉ quỹ và cổ phiếu tự giao dịch), vậy phần còn lại nên được phân bổ hợp lý để đảm bảo sự đa dạng và giảm thiểu rủi ro.
Các chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân của FIDT đưa ra khuyến nghị phân bổ tỷ trọng đầu tư trong năm 2025 với nhà đầu tư có khẩu vị tăng trưởng theo biểu đồ dưới đây.
Tôi sẽ đưa ra một số lời khuyên cho các lĩnh vực đầu tư mà bạn đang quan tâm và các lĩnh vực tăng trưởng tốt trong thời gian tới. Đầu tiên là về thị trường chứng khoán. Theo chia sẻ, bạn đã đầu tư 1 tỷ đồng cho cổ phiếu nhưng phần lớn là chứng chỉ quỹ và có một ít tự tham gia. Đây là cách tiếp cận hợp lý khi chưa có nhiều kinh nghiệm.
Tham gia các quỹ mở cổ phiếu, bạn ủy thác cho các công ty quản lý quỹ để thay mình thực hiện đầu tư vào thị trường chứng khoán. Kênh này không đòi hỏi vốn lớn, đáp ứng được tính đa dạng và tận dụng được ưu thế của các chuyên gia tài chính cố vấn cho quỹ. Tuy nhiên, bạn cũng phải theo dõi kênh đầu tư này. Hiện tại, quỹ mở phù hợp với chu kỳ kinh tế đang ở giai đoạn phục hồi, nhưng lưu ý cần giảm tỷ trọng với các giai đoạn xấu của nền kinh tế mới đảm bảo lợi nhuận tốt trong dài hạn.
Bạn cũng đã dành ra một phần vốn nhỏ để thực hiện trải nghiệm trên thị trường chứng khoán, học hỏi những kinh nghiệm và tích lũy kiến thức thêm cho bản thân trong quá trình tự đầu tư là rất phù hợp với người mới tham gia. Bạn nên duy trì tỷ trọng hợp lý (50-60% danh mục) tránh đổ dồn vào các cổ phiếu có biến động lớn.
Thứ hai là kênh đầu tư vàng. Giá vàng hiện nay đã lên cao, biến động mạnh, chênh lệch giữa chiều mua và bán ngày càng lớn. Nếu không xảy ra các biến cố lớn, giá kim loại quý trong nước năm 2025 được dự báo biến động đồng pha với thế giới, duy trì sự ổn định nhờ vai trò điều tiết của Nhà nước và các yếu tố thị trường liên quan.
Việc đầu tư vào vàng thời điểm hiện tại mang yếu tố rủi ro rất cao, với kênh này bạn nên tập trung vào mục tiêu phòng thủ tích lũy dài hạn. Mua vàng nhẫn định kỳ hàng tháng, quý cũng là một cách đầu tư ít rủi ro hơn, phù hợp với đa số người dân và tỷ lệ nắm giữ nên 5-10% tổng tài sản để đa dạng hóa rủi ro. Giảm tỷ trọng của vàng về 5% trong trường hợp quan sát và dự đoán thấy tình hình địa - chính trị bớt căng thẳng và tăng lên 10% trong trường hợp quan sát thấy các rủi ro leo thang.
Lưu ý không mua vàng miếng SJC nếu giá chênh lệch quá cao so với thế giới. Phần còn lại nên xem xét phân bổ vào các loại tài sản tiềm năng hơn giúp tăng hiệu suất sinh lời, tăng tính đa dạng và giảm thiểu rủi ro cho danh mục tài sản.

Người dân mua vàng tại một tiệm vàng ở quận Bình Thạnh, dịp vía Thần Tài, tháng 2/2025. Ảnh: Quỳnh Trần
Thứ ba là bạn cân nhắc về kênh tiền số, đại diện là Bitcoin (BTC). Xuất hiện vào năm 2009 do một cá nhân hoặc tổ chức ẩn danh giới thiệu, hiện nay BTC vẫn duy trì là loại tiền mã hóa có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường toàn cầu xuyên suốt giai đoạn xuất hiện, tồn tại và phát triển.
Việt Nam mới ở giai đoạn 2 (2025-2026) xây dựng thí điểm về khung pháp lý cho loại tài sản này. Mục tiêu là dựng các cơ chế thí điểm để quản lý và thử nghiệm các hoạt động liên quan đến tài sản số trong một số lĩnh vực. Vì vậy, chúng tôi cho rằng tiền kỹ thuật số đang là một trong những kênh tiềm năng, có thể mở rộng trong tương lai, khi các định chế và tổ chức công nhận ngày càng tăng. Khung pháp lý là điều kiện quan trọng để hợp pháp hóa tiền số tại Việt Nam và nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro rất cao có thể xem xét phân bổ một phần tỷ trọng cho tài sản này nhưng không quá 5% tổng tài sản.
Tiếp theo là kênh đầu tư bất động sản. Đây là kênh yêu thích của người Việt nhưng tôi không thấy bạn nhắc đến. Nếu trong danh mục đầu tư của bạn chưa sở hữu bất động sản đầu tư nào, có thể lựa chọn kênh này ở mức phù hợp với khả năng tài chính và dòng tiền lâu dài. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc xây dựng Luật Đất đai năm 2024 là sửa đổi những bất cập, không hợp lý cũng như bổ sung những quy định cấp thiết từ thực tiễn sẽ thúc đẩy thị trường hồi phục trở lại.
Yếu tố quan trọng nhất với bất động sản hiện tại là chu kỳ kinh tế 2025-2027, giai đoạn thị trường trung tâm phục hồi. Đây cũng là giai đoạn tiềm năng cao nhất của bất động sản đặc biệt là các phân khúc có tính tăng trưởng mạnh như đất vùng ven. Với tài chính tầm 1 tỷ, bạn có thể lựa chọn phân khúc đất dân sinh vùng ven, hiệu suất sinh lời trung bình tầm 9-15%. Lưu ý, phân khúc này phù hợp với tích lũy lâu dài từ trên 3 năm.
Trước khi đầu tư, dưới góc nhìn của chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân, bạn phải xây dựng cho mình các phương án dự phòng và bảo vệ sức khỏe, tài chính của bản thân và gia đình trước tiên. Bạn cần xây dựng quỹ dự phòng đầy đủ, bao gồm từ 3-6 tháng sinh hoạt phí thiết yếu, nên gửi ngân hàng ở kỳ hạn từ 1-6 tháng để khi cần có thể sử dụng ngay.
Tiếp theo là phương án bảo vệ sức khỏe và tài chính cho gia đình, bản thân là rất quan trọng. Các biện pháp bảo vệ gồm: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội nếu chưa có, bạn cần bổ sung ngay theo phương thức tự nguyện cho bản thân, gia đình. Thêm một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là lựa chọn khôn ngoan, chi phí nên chiếm từ 5-8% thu nhập.
Cuối cùng, trước khi đầu tư vào kênh nào, bạn nên dành một phần thu nhập đầu tư cho bản thân các kiến thức và kỹ năng mới, đặc biệt là kiến thức về các kênh đầu tư mình dự định rót vốn. Không đầu tư vào lĩnh vực mà bản thân không hiểu biết.
Với số vốn 2 tỷ đồng, bạn có nhiều cơ hội nhưng cũng cần thận trọng trong cách phân bổ. Hãy duy trì danh mục đa dạng, kiểm soát rủi ro tốt và đầu tư có kế hoạch. Nếu cần tư vấn chi tiết hơn, bạn có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân để có chiến lược phù hợp nhất.
Lại Thị Thanh Nga
Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân
Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT