Các loại xe máy xe đạp vẫn đi vào được nhà nhưng ôtô thì không. Giờ anh Trấn phân vân có nên mua mảnh đất này hay không, do vị trí rất thuận lợi đi lại và kinh doanh.
Nếu mua, anh có thể xin bỏ cột mốc lộ giới này đi để thuận lợi đi lại, bốc dỡ hàng hóa không?
Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội) cho biết, pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể thế nào là cột mốc lộ giới. Tuy nhiên khoản 5 Điều 3 Luật Xây dựng 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020 quy định về chỉ giới đường đỏ như sau: "Chỉ giới đường đỏ là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa để phân định ranh giới giữa phần đất được xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng khác".
Như vậy, có thể hiểu cột mốc lộ giới là điểm đánh dấu để phân định ranh giới giữa phần đất được xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng khác.
Hiện nay, việc cắm mốc lộ giới được cơ quan có thẩm quyền quy hoạch thực hiện. Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan có trách nhiệm trực tiếp nhận bàn giao, quản lý và bảo vệ mốc lộ giới. Người dân vì thế không được phép thực hiện các hành vi như tự ý phá bỏ, di dời, thay đổi cột mốc lộ giới.
Vì vậy, theo luật sư Bình, anh Trấn không thể làm đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tháo bỏ cột mốc lộ giới được cắm phía trước lô đất định mua.
Hải Thư